Thủ tướng đồng ý cấp phát cho 5 tỉnh, mỗi tỉnh 100 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp ngay và phân phối ngay kịp thời đến người dân, đúng đối tượng.
Thủ tướng đồng ý cấp phát cho 5 tỉnh, mỗi tỉnh 100 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ

Chiều ngày, 19/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp về triển khai các biện khắc phục hậu quả bão, mưa lũ vừa gây ra cũng như phòng, chống bão, mưa lũ sắp tới.

Chia sẻ với những mất mát, đau thương của nhân dân các tỉnh miền Trung, những gia đình có người thiệt mạng, Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục làm hết sức mình để bảo vệ tính mạng và tài sản nhân dân.

Trước mắt Thủ tướng đồng ý với đề nghị của các bộ, ngành, chi cho mỗi tỉnh 100 tỷ đồng gồm Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh, để hỗ trợ sửa chữa nhà ở và khắc phục cơ sở hạ tầng.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ ngày 6 đến 12 tháng 10 đã có 3 đợt vừa áp thấp nhiệt đới, vừa cơn bão số 6, vừa cơn bão số 7, đổ bộ vào khu vực miền Trung, gây ra mưa lũ lớn chưa từng thấy.

Mưa trong 7 ngày nhưng có nơi lượng mưa lên đến hơn 3.000mm, vượt lịch sử cả một năm mưa ở vùng cao điểm nhất.

Đó là điều dị thường của thời tiết, khiến mực nước ở các lưu vực sông lớn đều băng và vượt mốc lịch sử.

Cao điểm nhất là 12/10, 6 tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam bị ngập sâu 212 xã, 245 nghìn hộ, 900 nghìn người dân bị ngập sâu, gây sạt lở chưa từng có.

Ngay cả sạt lở tại tiểu khu 67 kiểm lâm, đây là điểm có độ cao thấp, nhưng vẫn xảy ra sạt lở, cho thấy điều không theo quy luật.

"Đợt mưa này vẫn tiếp diễn trong hôm nay và ngày mai, nhất là Hà Tĩnh, Nghệ An, một phần của Quảng Bình. Đặc biệt chú trọng là Hà Tĩnh. Vì Hà Tĩnh mưa có nơi đạt 1.200mm. Hiện nay tất cả hồ chứa của Hà Tĩnh đều đầy ắp. Nguy hiểm nhất là hồ Kẻ Gỗ. Thứ hai là toàn tuyến 8 tỉnh, mưa lũ khiến nước ở các hồ chứa và thảm rừng đầy nước. Bất kỳ tổn thương nào cũng xảy ra ảnh hưởng. Vấn đề nữa là triều cường vẫn còn, tất cả 44 điểm có nguy cơ sạt lở ở vùng biển vẫn vô cùng nguy hiểm.

Ba tình hình này dẫn đến công tác cứu hộ kỳ này phải rất khẩn trương, hết sức chú ý để đảm bảo an toàn, vì dễ xảy ra sạt lở miền núi. Thứ hai vận hành các hồ chứa đặc biệt phải chú ý, nhất là tại Hà Tĩnh. Chúng tôi đã cử lực lượng, chuyên gia của Tổng cục Thủy lợi vào cùng các địa phương, nhất là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, không để rủi ro các hệ thống hồ. Dự báo, đến ngày 24-25 có xuất hiện áp thấp có thể hình thành bão, hướng tuyến đổ thẳng vào miền Trung nên mức độ nguy hiểm cao hơn. Do đó cần có tinh thần rà soát công tác chuẩn bị"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, hiện công tác dự báo đã sử dụng phương tiện dự báo hiện đại nhất theo giờ để thông tin đến lực lượng cứu hộ, cứu nạn.

Ông cho biết, việc chuyển từ năm khô hạn sang mưa lũ là rất rõ ràng, từ nay đến cuối tháng 10, mà gần nhất, từ đêm mai, 20/10, sẽ có một cơn bão vượt qua Philippines vào Biển Đông.

Cơn bão này thời gian đầu ở Biển Đông sẽ phát triển tương đối mạnh, hướng về nước ta, có khả năng ảnh hưởng đến nước ta từ Nam đồng bằng đến khu vực Trung bộ.

Về thời gian dài hơn thì cần đề phòng các đợt rét đậm rét hại, do có thể lạnh hơn 5 năm vừa qua. Bên cạnh đó, vừa qua xảy ra mưa ở đồng bằng sông Cứu Long gây khó khăn cho thu hoach lúa, nhưng mặc khác lại có thể bù đắp nước cho khu vực này, giúp có thể tăng lượng nước thêm 20% so với năm 2019, làm giảm mức độ hạn hán trong năm tới.

Sau khi các bộ, ngành nêu ý kiến, kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ một thực trạng đau lòng là đến trưa nay, mưa, bão, lũ đã làm 94 người chết.

Các cơ quan chức năng đã làm nhiều việc, lực lượng quân đội đã tiên phong cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích, nhiều cán bộ, chiên sĩ đã hy sinh khi làm nhiệm vụ, nhưng đến nay vẫn còn nhiều người mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3 và một số chiến sĩ của Đoàn kinh tế quốc phòng 337.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với những mất mát, hy sinh rất lớn của đồng bào miền Trung, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ, những gia đình có người gặp nạn do mưa, bão, lũ.

Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương các lực lượng chức năng đã xông pha, không ngại hiểm nguy, hy sinh thần mình để cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân. Các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền từ chủ trương của Đảng, Nhà nước đến các biện pháp phòng, chống bão lũ của các địa phương và người dân.

Trước tình hình bão chồng bão, gây ra mưa lũ, sạt lở nghiêm trọng, thậm chí lũ vượt mức lịch sử, Thủ tướng cho biết, Thường trực Chính phủ họp để tiếp tục đưa ra các chỉ đạo phòng, chống mưa lũ, nhất là tại các khu vực Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chỉ đạo khắc phục với các phương án sẵn sàng hơn nữa để cứu dân, trên tinh thần là không được để dân đói, dân rét, màn trời chiếu đất. Tích cực chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn nhưng phải an toàn.

Yêu cầu ngành tài nguyên môi trường và Đài khí tượng thủy văn Trung ương làm tốt công tác dự báo để các cấp các ngành quán triệt tinh thần 4 tại chỗ. Các lực lượng trung ương và địa phương sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.

Trước hết cứu hộ cứu nạn phải đảm bảo người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Hệ thống chính trị phải vào cuộc, nhất là các cơ quan đoàn thể như đoàn thanh niên, các nhà hảo tâm, hỗ trợ cho đồng bào của chúng ta với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Các địa phương không bị lũ lụt thì cần hỗ trợ các vùng bị thiên tai.

Cho biết vừa qua Chương trình Ngày vì người nghèo đã hỗ trợ 2.400 tỷ đồng, Thủ tướng nhấn mạnh, điều đó thể hiện tinh thần hết sức quý báu của dân tộc ta và mong muốn có nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn ở miền Trung.

Trong nhiệm vụ sắp tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, phải tập trung bảm bảo an toàn các công trình hồ đập, không để vỡ hồ chứa gây thiệt hại vùng hạ du.

Lực lượng quân đội và các lực lượng chức năng sẵn sàng hơn nữa với phương án phù hợp, phương tiện cần thiết để cứu dân như vừa qua đã làm. Hiện mưa lớn đang xảy ra ở Quảng Bình, Nghệ An, nếu bão nữa sẽ lập lại mưa lũ.

Trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, Thủ tướng chỉ đạo: "Trước mắt đồng ý xuất cho mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo, gồm Hà Tĩnh đang bị bão lũ đe dọa rất lớn hiện nay. Yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp ngay kịp thời và phân phối ngay kịp thời và phân bổ đến người dân, đúng đối tượng. Trong ngày hôm nay phải chỉ đạo xuất ra khỏi kho. Về đề nghị hỗ trợ lương khô, yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo hỗ trợ lương khô kịp thời cho các địa phương. Trường hợp cần thiết thì ngân sách Nhà nước cấp bổ sung cho Bộ Quốc phòng sau. Thứ ba, tinh thần không để dịch bệnh xảy ra.

Những cơ số thuốc dự phòng, đảm bảo nước uống cho người dân phải được Bộ Y tế đảm bảo. Ngành y tế phải cử một bộ phận hướng dẫn người dân đảm bảo vệ sinh an toàn sau lũ. Tôi đồng ý với đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính xuất cấp phương tiện, trang bị cứu hộ cứu nạn. Đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai tìm kiếm cứu nạn, có phương tiện nhỏ cấp thiết cứu dân bị mắc kẹt ở những vùng chia cắt. Trong đó có việc sử dụng an toàn, hiệu quả, thuận tiện duy tu bảo dưỡng để sử dung lâu dài".

Thủ tướng cũng chỉ đạo, các nguồn lực nhà nước cấp phát phải đảm bảo quản lý và phân phối chặt chẽ, đúng quy định.

Các cấp, ngành tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống mưa lũ theo các công điện mà Thủ tướng đã ban hành; giải quyết tốt chính sách chế độ cho các gia đình bị thiệt hại về người theo quy định của Nhà nước.


Theo VOV

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục