Dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Diễn đàn M&A Việt Nam được tổ chức trong suốt 9 năm đã thực sự trở thành diễn đàn mở của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà đầu tư về hoạt động M&A; là kênh kết nối cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu trong phiên khai mạc, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng Diễn đàn sẽ là dịp để tất cả chúng ta cùng tư duy, suy nghĩ, thảo luận và tìm ra các yếu tố đột phá về cơ chế, chính sách, về dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như nhận diện những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và dư địa cho hoạt động M&A.
“Có tư duy đột phá để có hành động đột phá và cuối cùng là thu được kết quả đột phá”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Về phía Chính phủ, ông Dũng cũng cho biết, sự đột phá trong tư duy và hành động đang diễn ra mạnh mẽ, nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Trước hết là để thực hiện 3 đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu đầu tư, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng, là rất lớn và gia tăng nhanh chóng.
Có tư duy đột phá để có hành động đột phá và cuối cùng là thu được kết quả đột phá
- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay, bến cảng... đều đang trong giai đoạn đầu phát triển. Yêu cầu mở rộng và phát triển mạng lưới hạ tầng đang trở nên cấp bách để kết nối kinh tế Việt Nam với kinh tế khu vực và thế giới.
Ngoài vốn đầu tư nhà nước, thì đối tác công - tư (PPP) được xem là phương thức phổ biến để huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng. Đây là một lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có cơ hội đầu tư và cũng là mong muốn của Chính phủ đối với nhà đầu tư và đối tác phát triển nước ngoài.
Nhiều bộ luật quan trọng mang tính đột phá đã được ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng, thông qua. Trong đó, phải nói đến Luật Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua tháng 6/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018; dự thảo Luật Quy hoạch, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 10 năm 2017.
“Đây đều là những bộ luật điển hình của tư duy đột phá ở Việt Nam hiện nay”, Bộ trưởng Dũng cho biết.
Thực tế, trong quá trình đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, Chính phủ rất quan tâm tới việc thu hút các dòng đầu tư thông qua hình thức M&A, đặc biệt là kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước ra khỏi các ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo Bộ Trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa qua, tại hai cuộc gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Việt Nam đang thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn trong các lĩnh vực như vận tải, hạ tầng, lương thực, thực phẩm, nông nghiệp, viễn thông, thương mại, dịch vụ, du lịch, xây dựng... Đây sẽ là cơ hội lớn để các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế trở thành đối tác chiến lược của các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển”.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn M&A phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh: Lê Toàn
Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 với chủ đề “Tìm bước đột phá” được tổ chức trong bối cảnh hoạt động M&A đang gặp phải không ít khó khăn với nhiều thách thức đan xen và nếu không có gì đột phá, giá trị M&A năm 2017 sẽ không dễ vượt qua con số 5 tỷ USD.
Điều này đòi hỏi một cú hích lớn từ các doanh nghiệp và của Chính phủ để thúc đẩy hoạt động M&A phát triển mạnh mẽ hơn cả về số lượng giá trị và chất lượng các thương vụ.
“Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 năm nay lấy chủ đề “Tìm bước đột phá” để các chuyên gia, nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng nhau thảo luận, tìm ra các lĩnh vực và các yếu tố đột phá, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường, tạo sự thúc đẩy mạnh mẽ trong chu kỳ cuối của làn sóng M&A thứ hai.
Đó là khả năng đột phá về nguồn hàng từ các cuộc IPO lớn, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước; đột phá hơn nữa về cơ chế chính sách, quy trình, thủ tục nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động M&A như việc tháo gỡ chính sách cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp lớn, “nới room” đối với nhà đầu tư nước ngoài, đột phá từ nguồn vốn ngoại…”, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn M&A cho biết.
Với chủ đề “Tìm bước đột phá”, Diễn đàn M&A cung cấp một cái nhìn tổng thể và sâu sắc về thị trường M&A Việt Nam. Xuyên suốt chương trình Hội thảo chính là các phần trình bày từ diễn giả và 3 phiên thảo luận sôi nổi xoay quanh các chủ đề nóng hổi.
Phiên I: “Nhận diện các yếu tố đột phá trên thị trường M&A”; Phiên II: “Hiện thực hoá cơ hội: Góc nhìn của nhà đầu tư quốc tế”; Phiên III: “Bài học từ những thương vụ lớn”
Ngoài ra, để các nhà đầu tư, doanh nghiệp cùng nhìn lại toàn cảnh thị trường M&A Việt Nam một năm qua, Diễn đàn sẽ vinh danh các Thương vụ và Nhà tư vấn tiêu biểu nhất Việt Nam năm 2016 – 2017 tại Gala Dinner vào tối hôm nay, ngày 10/8/2017.
Đặc biệt, năm 2017, lần đầu tiên Ban tổ chức Diễn đàn M&A Vietnam tôn vinh các doanh nghiệp có chiến lược truyền thông và công bố thông tin xuất sắc. Các chiến lược truyền thông và công bố thông tin minh bạch đã góp phần tạo nên thành công của thương vụ cũng như đem lại thông tin chuẩn mực cho công chúng và giới đầu tư…