Đây không phải là vấn đề mới phát sinh, mà thực tế nhiều công ty bảo hiểm đã từng rơi vào trường hợp tương tự.
ĐTCK từng có nhiều bài viết phản ánh về những vụ tranh chấp này như vụ Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất kiện Bảo Minh hay gần đây là Công ty Nishu Nam Hà kiện Bảo hiểm Hàng không (VNI) ra tòa vì không chịu bồi thường. Vấn đề cũng phát sinh từ việc chậm đóng phí bảo hiểm. Cả hai vụ việc này đều đang chờ phán quyết cuối cùng của toà án.
Theo một chuyên gia trong ngành bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã quy định, khi hợp đồng bảo hiểm được ký kết, nếu hai bên không có thỏa thuận gì khác, bên mua phải đóng phí ngay thì hợp đồng bảo hiểm mới có hiệu lực. Tuy nhiên, khách hàng có thể thỏa thuận (bằng văn bản) với công ty bảo hiểm về thời gian thanh toán phí bảo hiểm.
Vị chuyên gia này cho rằng, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ thường không nhắc nếu khách hàng chậm nộp phí, mà hầu hết đều quy định rõ ràng trong hợp đồng, thời hạn đóng phí là như thế nào để có căn cứ giải quyết nếu xảy ra tranh chấp. Cụ thể, khi ký kết hợp đồng, hai bên có thỏa thuận thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm là 30 ngày (thời gian có thể ngắn hoặc dài hơn) thì khách hàng cần thực hiện trách nhiệm đóng phí bằng bất cứ hình thức nào, chứ không thể đổ lỗi cho việc chậm thanh toán phí là do nhân viên bảo hiểm không đến thu phí. Bởi không có hợp đồng bảo hiểm nào quy định công ty bảo hiểm phải đến gặp khách hàng để thu phí cả.
Về phía các công ty bảo hiểm, có thể hợp đồng của họ có ghi sẵn là nếu khách hàng không đóng phí trong vòng 30 ngày (thời gian có thể ngắn hoặc dài hơn) thì hợp đồng sẽ tự động vô hiệu. Khi đó, nếu công ty bảo hiểm không có thêm thông báo hủy hợp đồng từ ngày thứ 31 thì không chuyên nghiệp, nhưng cũng chưa hẳn là sai. Vấn đề chỉ trở nên phức tạp khi công ty bảo hiểm không hoàn trả ngay khoản phí bảo hiểm đóng chậm cho khách hàng, bởi vì điều này sẽ khiến khách hàng tự suy ra rằng, hợp đồng đã có hiệu lực.
Cũng cần phải lưu ý là không phải hợp đồng nào cũng có thời gian gia hạn đóng phí bảo hiểm là 30 ngày. Một số công ty bảo hiểm quy định hợp đồng tự động gia hạn thời hạn nộp phí và sẽ có hiệu lực từ ngày khách hàng nộp phí. Tuy nhiên, nếu áp dụng trường hợp này thì ở những công ty bảo hiểm chuyên nghiệp thường thực hiện quy trình sau: vào ngày thứ 16 kể từ ngày có hiệu lực của hợp đồng, công ty bảo hiểm sẽ gửi thư nhắc nhở khách hàng đóng phí bảo hiểm; vào ngày thứ 24, công ty bảo hiểm sẽ gọi điện thoại cho khách hàng để nhắc nhở tiếp; sau ngày thứ 24 và trước ngày 30, công ty bảo hiểm sẽ gửi thư thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng nếu khách hàng không đóng phí trước ngày 30; đến ngày 31, công ty bảo hiểm sẽ chấm dứt hợp đồng. Nếu tổn thất xảy ra trong thời gian gia hạn đóng phí thì công ty bảo hiểm sẽ bồi thường sau khi khách hàng thanh toán đầy đủ phí bảo hiểm. Tất nhiên, nếu tổn thất xảy ra sau ngày 30 thì sẽ không được bồi thường. Tuy nhiên, vấn đề thường nảy sinh là do không quy định rõ ràng về thời hạn nợ phí bảo hiểm. (Theo quy định tại Nghị định 86/2010/NĐ-CP thì hợp đồng bảo hiểm sẽ được giao kết khi khách hàng nộp phí bảo hiểm. Trong trường hợp khách hàng đã nộp phí bảo hiểm và không có dấu hiệu trục lợi thì công ty bảo hiểm phải bồi thường vì thiệt hại xảy ra trong thời hạn bảo hiểm).
Đại diện một công ty bảo hiểm phi nhân thọ chia sẻ, đây là vấn đề mà hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ đều gặp phải. Công ty bảo hiểm này cũng gặp nhiều vụ việc như vậy, có vụ bồi thường tới hàng chục tỷ đồng. Thông thường, những vụ tranh chấp như vậy khi đưa ra tòa án xử thì công ty bảo hiểm đều phải bồi thường, vì tòa xử theo cả Luật Dân sự, chứ không chỉ căn cứ Luật Kinh doanh bảo hiểm.
“Tất nhiên, bây giờ nhiều công ty bảo hiểm đã có những quy định chặt chẽ hơn khi ký hợp đồng với khách hàng, bằng cách quy định về việc gia hạn tự động và hợp đồng bảo hiểm chỉ có hiệu lực khi khách hàng đóng phí. Như vậy, công ty bảo hiểm cũng khỏi phải nhắc nhở khách hàng về việc chậm nộp phí”, vị đại diện trên cho biết.