Cần bắt buộc công khai tỷ lệ tái ký năm hai
Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Khánh Hoà gửi tới sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về việc người dân đi vay vốn ở các ngân hàng thương mại vẫn phải mua các loại bảo hiểm như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm cháy nổ… thì mới được giải ngân khoản vay, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, pháp luật hiện hành nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua, giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Cụ thể, quy định tại Khoản 5, Điều 9 - Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 nghiêm cấm hành vi “đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm”. Đối với các tổ chức tín dụng có hoạt động đại lý bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cũng có quy định về vấn đề này.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, cơ quan này thường xuyên có văn bản chỉ đạo, cảnh báo, chấn chỉnh hoạt động đại lý bảo hiểm của các tổ chức tín dụng, yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đại lý bảo hiểm, không để xảy ra trường hợp tổ chức tín dụng, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức; tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ hoạt động đại lý bảo hiểm của các chi nhánh tổ chức tín dụng có tỷ lệ tái ký bảo hiểm năm thứ 2 thấp...
Theo các chuyên gia trong ngành, để kiểm soát hoạt động bancassurance, ngoài khung pháp lý, quan trọng nhất là phải tăng cường giám sát trong quá trình hoạt động. Bởi dù đã có quy định nghiêm cấm hành vi “ép” khách hàng mua, giao kết hợp đồng bảo hiểm, nhưng trong luật không định nghĩa như thế nào “ép” và thực tế trên hợp đồng đó là thỏa thuận, tự nguyện của khách hàng...
Bạn đọc tru**@gmail.com đặt câu hỏi: “Ngân hàng không yêu cầu người vay vốn mua bảo hiểm, nhưng lại nói khi vay sẽ khuyến mãi tặng kèm gói bảo hiểm. Đây có phải là biến tướng của hình thức ép mua bảo hiểm?”. Một khách hàng vay vốn khác ở Q.7, TP.HCM cũng cho biết, khi làm hợp đồng vay vốn, anh không bị “ép” đúng nghĩa, nhưng nhân viên tín dụng năn nỉ theo kiểu “ủng hộ” nên anh đành chọn bảo hiểm mệnh giá thấp để mua cho xong việc...
Thực tế, đối với việc tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ hoạt động đại lý bảo hiểm của các chi nhánh tổ chức tín dụng, một số ý kiến cho rằng, giám sát tỷ lệ tái ký bảo hiểm năm thứ 2 là điểm mấu chốt để việc bán bảo hiểm qua ngân hàng rõ ràng, minh bạch hơn. Tuy nhiên, thanh tra của cơ quan quản lý bảo hiểm sẽ không có quyền và cũng không được kiểm tra các ngân hàng. Vì vậy phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa thanh tra Ngân hàng Nhà nước và thanh tra quản lý bảo hiểm để kiểm tra các ngân hàng có tỷ lệ tái ký hợp đồng bảo hiểm năm thứ hai thấp, tìm hiểu nguyên nhân và đưa ra quyết định xử lý phù hợp.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho hay, để hoạt động bancassurance trở nên thực chất hơn, các cơ quan quản lý chỉ cần yêu cầu các ngân hàng công bố tỷ lệ duy trì hợp đồng tối thiểu, nếu tỷ lệ đóng phí năm thứ hai thấp thì cho thời hạn 6-12 tháng để sửa chữa. Sau thời gian này, nếu ngân hàng vẫn không đạt tỷ lệ đóng phí tối thiểu thì phải ngưng bán cho đến khi đẩy được tỷ lệ này tăng lên trên mức tối thiểu theo quy định. Điều này vừa tạo điều kiện cho ngân hàng, nhà bảo hiểm đa dạng hóa danh mục sản phẩm, vừa tránh ảnh hưởng tới sự phát triển của kênh phân phối rất quan trọng như bancassurance.
Các văn bản hướng dẫn cần có tính pháp lý cao
Nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng, quy định tại Khoản 5, Điều 15 - Luật Các tổ chức tín dụng 2024 nghiêm cấm “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, người quản lý, người điều hành, nhân viên của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức”.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp bảo hiểm, vướng mắc lớn nhất nằm ở chỗ, luật đã có hiệu lực nhưng đến nay vẫn chưa có cách hiểu thống nhất thế nào là “sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc”, thế nào là “gắn” việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ... Về cơ bản, các sản phẩm bảo hiểm mà ngân hàng bán đương nhiên sẽ liên quan tới một dịch vụ nào đó của ngân hàng, nên việc chưa có quy định cụ thể, rõ ràng sẽ gây khó cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp bảo hiểm.
Trước những băn khoăn trên, Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Công văn số 8347/NHNN-PC gửi Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) về việc thực hiện quy định tại Khoản 5, Điều 15 - Luật Các tổ chức tín dụng 2024, cụ thể như sau: Trường hợp tổ chức tín dụng không có yêu cầu, đề nghị hay điều kiện về việc khách hàng phải mua bảo hiểm thì việc khách hàng tự nguyện mua bảo hiểm không bắt buộc (tại công ty con của công ty bảo hiểm hoặc qua ngân hàng khác làm đại lý bán bảo hiểm), hoặc việc khách hàng mua bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi của khách hàng và không gắn với các sản phẩm, dịch vụ của tổ chức tín dụng cung ứng thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này…
Dù vậy, tại một hội thảo về thị trường bảo hiểm mới đây, ông Nguyễn Hồng Phong - Tổng giám đốc Bảo hiểm Agribank (ABIC) cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành thông tư hướng dẫn để có tính pháp lý cao hơn cũng như tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của các ngân hàng.
Được biết, trước đây, 80% doanh thu của ABIC đến từ hoạt động bán bảo hiểm qua Agribank. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2024 - thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng 2024 chính thức có hiệu lực, nhiều chi nhánh Agribank đã dừng việc bán sản phẩm bảo hiểm của nhà bảo hiểm này.
Cũng tại hội thảo trên, bà Đoàn Thị Thu Huyền - Phó tổng giám đốc Bảo hiểm BIDV (BIC) đưa ra đề xuất, Ngân hàng Nhà nước nên chia sẻ các văn bản hướng dẫn luật trong hệ thống ngân hàng tại các địa phương và trên các phương tiện truyền thông để người dân được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, rõ ràng, qua đó giúp các doanh nghiệp bảo hiểm có thể tự tin triển khai các dịch vụ bảo hiểm qua ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật.
Theo lãnh đạo BIC, từ khi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực, các ngân hàng đều thận trọng hơn trong hoạt động phân phối bảo hiểm với vai trò là đại lý. Theo xu thế chung của thị trường, so với thời điểm 30/6/2024, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm của BIC tính đến ngày 11/10/2024 đã giảm hơn 10%.
Bên cạnh đó, quy định mới cũng tạo ra tâm lý e ngại cho cán bộ ngân hàng (vốn đã chịu nhiều chỉ tiêu hoạt động chung) trong quá trình giới thiệu, chào bán bảo hiểm tới khách hàng, ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng cũng như an toàn vốn vay của ngân hàng khi không may khách hàng xảy ra rủi ro.
“Chúng tôi - những công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng luôn xác định tuân thủ, tôn trọng pháp luật, chấp hành đầy đủ quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm trong việc phối hợp bán chéo sản phẩm bảo hiểm. Thực tế, 2 sắc luật này cũng quy định rõ, ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”, bà Huyền nhấn mạnh.