Khách hàng nhỏ, lẻ tạo sức bật lợi nhuận tốt cho ngân hàng

(ĐTCK) Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn duy trì ở mức thấp và tuân thủ lộ trình giảm vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn sẽ là rào chắn đối với ngân hàng trong hoạt động tín dụng năm nay. Để đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay nhỏ, lẻ. 
Nhiều ngân hàng đạt được lợi nhuận cao nhờ đẩy mạnh bán lẻ và cho vay phân tán.

Tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức 14%

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, tăng trưởng tín dụng tính đến cuối năm 2019 tăng hơn 13% so với cuối năm 2018 (thấp hơn mục tiêu đề ra là 14%) và dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh.

Trong đó, tín dụng vào nông nghiệp - nông thôn tăng 11%, chiếm 25% tổng dư nợ nền kinh tế; với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 16%; với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 15%.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đặt ra cho năm 2020 vẫn duy trì ở mức 14%.

Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đến năm 2020 nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% tiếp tục thực hiện.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và nợ đã phân loại về dưới 3% (không bao gồm các ngân hàng yếu kém).

Tất cả các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ của NHNN năm 2020 sẽ đều kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân dưới 4%, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tăng trưởng tín dụng định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, qua đó hạn chế tình trạng “tín dụng đen”.

Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%.

Một trong các quy định kiểm soát nguồn vốn tín dụng vào lĩnh vực phi sản xuất, bao gồm lĩnh vực bất động sản nói chung và phân khúc bất động sản cao cấp nói riêng là Thông tư 22/2019/TT-NHNN áp dụng từ ngày 1/10/2020 khi giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ mức 40% hiện nay xuống còn 37%.

Để mở rộng dư địa cho vay, các ngân hàng đang tiếp tục đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ, cho vay tiêu dùng.

Bởi theo lãnh đạo các nhà băng, nhu cấu tín dụng tiêu dùng ngày một tăng cao và khách hàng thường vay ngắn hạn.

Như vậy, các ngân hàng sẽ dễ quay vòng vốn trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp.

Mặt khác, đẩy mạnh tín dụng nhỏ, lẻ cũng giúp gia tăng lợi nhuận khi phân khúc này có biên lãi ròng cao.

Lợi nhuận đến từ bán lẻ tăng dần

Thực tế cho thấy, chính nhờ đẩy mạnh bán lẻ và cho vay phân tán, nhiều ngân hàng đạt được lợi nhuận cao.

Đơn cử, tại Vietcombank, với chiến lược đẩy mạnh bán lẻ, từ mức hơn 10% về doanh số bán lẻ, sau 6 năm, tín dụng bán lẻ của ngân hàng này đã vượt qua bán buôn.

Trả lời báo giới, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, Ngân hàng ước đạt 23.130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2019, dẫn đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam và là 1 trong 2 doanh nghiệp niêm yết có mức lợi nhuận lớn nhất, trong đó mảng bán thẻ đóng góp 40% vào tổng lợi nhuận.

Kế hoạch năm 2020, Vietcombank dự kiến tăng trưởng lợi nhuận hơn 15% so với năm 2019. Đến 2025, Vietcombank dự kiến lợi nhuận sẽ đạt 2 tỷ USD, trong đó 50% đến từ bán lẻ.

Tại OCB, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, OCB sẽ ưu tiên cho vay phân tán.

Trong đó có các chương trình như cho vay tiêu dùng tín chấp đối với người có thu nhập từ 3 triệu đồng/tháng, gói tín dụng 100 triệu USD cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) do phụ nữ làm chủ, gói vay ưu đãi 3.000 tỷ đồng cho SME lĩnh vực xuất nhập khẩu và logistic...

Với gói tín dụng dành cho SME, lãi suất cho vay từ 5,99%/năm.

Ngoài ra, OCB còn giảm thêm 2,3%/năm lãi suất trong vòng 6 tháng cho 23 khách hàng đầu tiên mỗi tháng vay có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, vay tậu xe, tiêu dùng, vay sản xuất kinh doanh), 23 khách hàng đầu tiên mỗi tháng vay tín chấp được giảm 2,3% trong vòng 3 tháng...

Sở dĩ OCB đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ, theo lãnh đạo nhà băng này, bởi đây là phân khúc khách hàng có thể đem lại biên lợi nhuận ròng cao, trong khi rủi ro được phân tán.

Vả lại, hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng OCB nhận được từ đầu năm phải theo chủ trương của NHNN và khó có thể vượt qua mức tăng trưởng tín dụng của toàn ngành.

Với Nam A Bank, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, Nam A Bank đang triển khai chương trình tín dụng xanh nhằm cung cấp giải pháp tài chính cho các dự án bảo vệ môi trường, giảm khí thải CO2.

Trong đó, Nam A Bank đẩy mạnh vốn cho khách hàng cá nhân vay lắp đặt điện mặt trời, lãi suất từ 7%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 7,5%/năm đối với khoản vay trung - dài hạn.

Lãi vay đối với dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn từ 9,9%/năm.

Đồng thời, Nam A Bank còn tập trung cho vay tiêu dùng, kinh doanh, xây dựng hoặc sửa chữa nhà ở, mua xe ô tô… đối với khách hàng cá nhân với lãi suất từ 9,99%/năm, tỷ lệ cho vay 100% nhu cầu vốn.

Tương tự, Viet Capital Bank cũng đưa ra nhiều chương trình cho vay tiêu dùng, trong đó hỗ trợ vay mua ô tô với giá trị khoản vay lên đến 85% giá trị xe, thời gian vay từ 24-72 tháng, lãi suất từ 8,3%/năm...

Về phía cơ quan quản lý, NHNN khẳng định, sẽ áp dụng chính sách xem xét cấp hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng và ngân hàng nào đáp ứng chuẩn Basel II sẽ được cấp hạn mức tín dụng ở mức cao hơn.

Ngoài ra, các ngân hàng tham gia các dự án mang tính chất đặc thù như dự án phát triển nông thôn, hạn chế “tín dụng đen”… sẽ được ưu tiên trong việc cấp room tín dụng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng (NHNN) cho biết, NHNN vẫn chưa có kế hoạch phân bổ room tín dụng xuống các ngân hàng.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục