Ngân hàng nỗ lực tăng nguồn thu từ bán lẻ

(ĐTCK) Trước thực trạng tín dụng ngày càng co hẹp do mục tiêu tăng trưởng của ngành đặt ra giảm dần, các nhà băng đang nỗ lực tăng nguồn thu từ mảng dịch vụ, bán lẻ để đảm bảo lợi nhuận bền vững.
Ngân hàng nỗ lực tăng nguồn thu từ bán lẻ

Kết thúc quý I/2019, Ngân hàng ghi nhận chuỗi tăng trưởng về doanh thu quý thứ 14 liên tiếp. Doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 4.200 tỷ đồng và 2.600 tỷ đồng. Theo bà Lê Thị Bích Phượng, Giám đốc Khối Dịch vụ ngân hàng và tài chính cá nhân Techcombank, quý đầu năm nay, mảng bán lẻ đã tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm ấn tượng trong hoạt động bán lẻ quý vừa qua là Ngân hàng tăng được lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) rất lớn qua chính sách khuyến khích khách hàng chuyển sang lựa chọn các sản phẩm không dùng tiền mặt. Số liệu của Visa Việt Nam cho thấy tại thời điểm cuối quý I/2019, Techcombank đứng số 1 thị trường về tổng lượng thanh toán qua thẻ tín dụng Visa và thẻ ghi nợ.

Thị phần về số lượng thẻ của Techcombank hiện là 11% nhưng thị phần về khối lượng giao dịch chiếm đến 20%. Nhờ vậy mà CASA của Ngân hàng lên đến 58.600 tỷ đồng, giúp chi phí huy động ở mức thấp.

Một mảng nữa cũng có kết quả đáng chú ý, đó là bán chéo sản phảm bảo hiểm. Theo bà Phượng, hết quý I, Ngân hàng chiếm 19% thị phần về doanh thu bán bảo hiểm. Bên cạnh đó, dư nợ cho vay mua nhà tăng 33% so với cùng kỳ và trở thành lực đẩy lớn cho tăng trưởng cho vay bán lẻ của ngân hàng này.

Quý I vừa qua, MB ghi nhận thu nhập lãi thuần tăng 25,6%, đạt 4.135 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 59%, đạt 120 tỷ đồng. Lãi từ mua bán chứng khoán đạt 181 tỷ đồng, giảm 34%. Đáng chú ý, hoạt động dịch vụ có lãi tăng đột biến (141%), đạt 759 tỷ đồng trong quý đầu năm nay. Sự tăng trưởng đột biến ở mảng dịch vụ của MB là nhờ đóng góp của công ty con MB Ageas Life. Lãi từ hoạt động kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm của MB trong kỳ đạt 459 tỷ đồng, tăng tới 12 lần so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, Ngân hàng báo lãi trước thuế 2.424 tỷ đồng trong quý đầu năm.

Từ một ngân hàng có cấu trúc thiên về khách hàng doanh nghiệp, tỷ trọng dư nợ và huy động của hoạt động ngân hàng bán lẻ đã chiếm phần lớn tại VIB. Trong tổng dư nợ tín dụng đạt 98.933 tỷ đồng vào cuối năm 2018, dư nợ khối ngân hàng bán lẻ chiếm hơn 75%, đạt 74.300 tỷ đồng. Ba tháng đầu năm nay, dư nợ cho vay của Khối bán lẻ VIB tăng 8%.

Việc chuyển đổi này đã đưa Khối Ngân hàng bán lẻ trở thành nơi đóng góp nguồn lợi nhuận trọng yếu cho VIB. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 của VIB cũng cho thấy, thu nhập lãi thuần tăng 31,5%, đạt 1.385 tỷ đồng; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng vọt 168%, đạt 348 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 810 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ 2018. Như vậy, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm 3.400 tỷ đồng, VIB đã hoàn thành được 24% kế hoạch.

Theo nhận định của TS. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng TP. HCM, việc Ngân hàng Nhà nước siết chặt tăng trưởng tín dụng, hạn chế tín dụng ở một số lĩnh vực có nhiều rủi ro như bất động sản, đầu tư chứng khoán… sẽ khiến tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc áp dụng quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ đầu năm 2019 theo quy định của Thông tư 19/2017/TT-NHNN và áp dụng Basel 2 từ đầu năm 2020 cũng khiến nguồn thu của các ngân hàng bị sụt giảm. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng đã phải tính toán cắt giảm chi phí, đẩy mạnh mảng bán lẻ và chạy đua phát triển mảng dịch vụ nhằm giảm phụ thuộc vào tín dụng.

Trong đó, nguồn thu dịch vụ của các ngân hàng đến từ các khoản bán chéo bảo hiểm (bancassurance), các giải pháp tài chính như sản phẩm phái sinh, thu hộ, chi hộ… Điều này được minh chứng qua báo cáo tài chính năm 2018 của nhiều ngân hàng, nguồn thu dịch vụ tăng rất mạnh ở một số ngân hàng lớn, chiếm đến 20 - 35% tổng thu nhập cả năm. Tại những ngân hàng nhỏ, dịch vụ vẫn chiếm tới 15 - 20% trong tổng nguồn thu.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tăng trưởng thu nhập dịch vụ của HDBank có thể sẽ đạt mức 70% trong năm 2019.

Tương tự, tăng trưởng thu nhập dịch vụ của MB cũng được dự đoán sẽ đạt mức tăng 50% trong năm 2019, nhờ tăng trưởng thu nhập từ kinh doanh bảo hiểm. VDSC cũng dự báo, thu từ dịch vụ của VietinBank tăng trưởng 25 - 30% mỗi năm trong 3 năm tới nhờ tăng trưởng của phí dịch vụ, thẻ ngân hàng, bảo hiểm, phí giao dịch và chứng khoán… Bên cạnh đó, ACB, Vietcombank, OCB cũng đang có những kế hoạch riêng có thể thúc đẩy tỷ trọng đóng góp, bao gồm nâng cấp hệ thống và đầu tư ngân hàng số.

Đánh giá được đưa ra từ giới phân tích tài chính, trong ngắn hạn, thu nhập dịch vụ còn tiềm năng tăng trưởng tốt, chủ yếu nhờ hoạt động thanh toán và bảo hiểm.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng có thể khác nhau giữa các ngân hàng, tùy vào lợi thế và chiến lược riêng của họ. Về dài hạn, không tính các khoản thu nhập bất thường, VDSC cho rằng, tỷ trọng đóng góp của thu nhập dịch vụ trong thu nhập hoạt động của các ngân hàng sẽ tăng từ 8,6% (ước tính năm 2018) lên 10% trong năm 2019 và 13,8% trong năm 2022.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục