Khắc phục xu hướng đổ thừa cho thể chế

0:00 / 0:00
0:00
Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt lên bàn nghị sự trong phiên họp thứ 58 vừa qua, với vấn đề thể chế được đặc biệt nhấn mạnh.
Phiên họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Duy Linh Phiên họp thứ 58 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Duy Linh

5 năm tới khó khăn hơn

Thay mặt Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khái quát rằng, về tổng thể, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật, nhất là phát triển kinh tế, xã hội, hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Trong 21 chỉ tiêu theo Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội, có 16 chỉ tiêu đạt và vượt, 5 chỉ tiêu không đạt. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế, xã hội. Tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trên thế giới, khu vực.

Tuy nhiên, với dự kiến kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ nhận định, bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi, nhưng khó khăn, thách thức là nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, một trong những quan điểm phát triển được Chính phủ nhấn mạnh là tập trung đổi mới, bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả; phát triển nhanh, hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng kinh tế, các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Chính phủ cũng xác định 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển.

Giải pháp cụ thể là khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, trùng chéo, hoặc chưa đầy đủ, nhất là về đầu tư, kinh doanh, đất đai, quy hoạch, ngân sách, tài sản công, thuế... theo hướng vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó chủ động tích cực sửa đổi, hoàn thiện.

Chính phủ cũng tính đến giải pháp ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để giải quyết những vấn đề tồn đọng, phức tạp, trường hợp cần thiết ban hành một luật sửa nhiều luật hoặc Nghị quyết thí điểm đối với những bất cập khi chưa sửa luật, những vấn đề mới phát sinh chưa được quy định trong luật hoặc đã có nhưng không còn phù hợp với thực tiễn.

Xu hướng đổ thừa thể chế đang nổi lên rất mạnh

Cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, song tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cả Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và một số khác đều bày tỏ lo ngại với xu hướng bộ, ngành, địa phương nào cũng kêu ca về thể chế, nhiều nơi thấy sai, không sửa, rồi đổ thừa cho cơ chế, thể chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu một số kết quả nổi bật về xây dựng thể chế trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, gồm việc ban hành một số luật liên quan đến kinh tế như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công... Song, theo ông Tùng, công tác xây dựng thể chế còn không ít bất cập, việc đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi pháp luật trong một số lĩnh vực còn rất chậm, điển hình như Luật Đất đai.

Khẳng định thể chế là vấn đề hết sức quan trọng, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, nhiệm kỳ này đặt vấn đề thể chế phát triển, chứ không chỉ là thể chế kinh tế thị trường nữa. Vấn đề này rất mới, nên phải có tư duy mới về thể chế trong nhiệm kỳ này.

“Vừa rồi ai cũng kêu thể chế, địa phương nào cũng kêu thể chế, bộ nào cũng kêu thể chế, doanh nghiệp kêu thể chế, nhưng cứ kêu thế thôi, có thấy làm gì đâu. Cứ phát biểu là hiện nay vướng luật lệ lắm, nhưng thực tế vướng điều nào, vướng khoản nào, ai là người sửa thì không thấy nói”, ông Định nêu.

Từng có thời gian làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hoà, ông Định chia sẻ: “Khi về địa phương, thấy chỗ nào cũng kêu vướng luật. Cứ 15 ngày, tôi họp một lần, cuối cùng có vướng đâu, làm được hết”.

Rất tán thành ý kiến của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, có nhiều điểm mới trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phải thể chế kịp thời. Đầu tiên là phải thế chế hóa Nghị quyết Đại hội, sau đó mới tiếp tục rà soát để sửa đổi hoàn thiện, bổ sung hệ thống thể chế bao gồm các luật, nghị định, thông tư, hướng dẫn...

Khẳng định đang có nhiều vấn đề ở hệ thống văn bản dưới luật, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ trải nghiệm khi giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội: “Riêng chuyện cải tạo một nhà 3 tầng lên 4 tầng trong nội đô này phải đi xin bộ từng việc một. Tôi ở Hà Nội khốn khổ, khốn nạn về chuyện này. Còn đề án cải tạo chung cư cũ bây giờ vướng đến 8, 9 điều trong Nghị định của Chính phủ, vướng có một điều ở Luật Nhà ở thôi”.

Từ thực tế trên, Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tới đây phải khắc phục 2 khuynh hướng: một là bảo thủ, sai mà không sửa; hai là cứ kêu, đổ thừa cho cơ chế. “Tôi thấy xu hướng thứ hai dường như đang nổi lên rất mạnh. Chúng ta phải nhìn thẳng việc này, đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế. Cơ chế gồm có luật, có nghị định, có thông tư, có văn bản hướng dẫn. Phải xác định là sửa cái gì, sửa thế nào. Ta kêu thôi, chứ không sửa gì cả", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Một vấn đề quan trọng khác cũng được Chủ tịch Quốc hội lưu ý là phải tập trung giải quyết những tồn đọng trước khi tạo ra năng lực sản xuất mới. Lấy ví dụ 12 dự án yếu kém, thua lỗ đã quá thời gian Quốc hội yêu cầu mà vẫn chưa giải quyết được, ông Huệ nói rõ 2 việc. Một là, dự án nào vướng EPC (hợp đồng tổng thầu) thì đưa ra tòa trọng tài kinh tế giải quyết, ai thắng, ai thua cho rõ ràng ra. Sau khi giải quyết được vướng mắc này thì đấu thầu, đấu giá, được đồng nào tập trung làm việc khác.

Sau khi hoàn thiện thêm, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và kế hoạch đầu tư công, tài chính công, vay - trả nợ công 5 năm 2021-2025 sẽ được Quốc hội thảo luận, quyết định những chỉ tiêu cơ bản tại kỳ họp thứ nhất khai mạc ngày 20/7 tới.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra 23 chỉ tiêu chủ yếu, gồm 8 chỉ tiêu về kinh tế, 9 chỉ tiêu về xã hội, 6 chỉ tiêu về môi trường. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%.

Cùng với đó, đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt khoảng 45%. Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP. Tuổi thọ trung bình khoảng 74,5 tuổi. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5%/năm. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% dân số. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục