Với PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đây là thời điểm nội hàm tầm nhìn, định hướng phát triển trong giai đoạn tới mà Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định phải được nghiên cứu, quán triệt một cách nghiêm túc để việc thực thi thực sự hiệu quả. “Vấn đề trọng tâm nhất của phát triển giai đoạn tới là xây dựng thể chế cho phát triển cấu trúc mới”, ông Thiên nhấn mạnh.
Thưa ông, năm 2021 đã đi qua 2 tháng, nghĩa là việc triển khai thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026 đã được đã đi những bước đầu tiên.
Đây là thời điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phải được đưa ra nghiên cứu, quán triệt và thảo luận để thực thi. Đang có các vấn đề được đặt ra trong Nghị quyết có thể không mới, nhưng với tư duy, quan điểm rất mới, nếu được thực thi đồng bộ, thống nhất và triệt để, sẽ làm thay đổi cấu trúc phát triển của kinh tế Việt Nam, thực sự chuyển nền kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập.
Trong Nghị quyết Đại hội XIII, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển phù hợp với nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập... tiếp tục là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn tới, thưa ông?
Về mặt logic, nền kinh tế thị trường phát triển đầy đủ gồm 2 thứ. Một là, các thị trường phải phát triển, vì đây chính là nền tảng của kinh tế thị trường. Hai là, chủ thể của thị trường, động lực tạo ra lực động cho thị trường, đó là kinh tế tư nhân.
Nghị quyết Đại hội XIII đã nhấn mạnh rất rõ hai chủ thể này. Cụ thể, trong nội hàm đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, Nghị quyết làm rõ cơ cấu lại, phát triển lành mạnh các thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất để huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Cơ cấu lại thị trường tài chính - tiền tệ đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng vốn có hiệu quả. Cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm an toàn nợ công. Cơ cấu lại thị trường bất động sản, đất đai, tài nguyên để đất, tài nguyên được sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả cao....
Lần đầu tiên, Nghị quyết Đại hội XIII đã nhắc đến yêu cầu phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, bên cạnh cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp, yêu cầu tăng cường gắn kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước...
Thực tế, đã nhiều năm, chúng ta vẫn nói là tập trung phát triển thị trường các nhân tố sản xuất, nhưng chưa làm được? Lý do là gì, thưa ông?
Cần phải đặt câu hỏi tại sao thị trường tư liệu sản xuất khó phát triển, trong khi thị trường tiêu dùng lại phát triển dễ dàng? Có phải ý thức về phát triển thị trường các nguồn lực kém, nên các thị trường đất đai, điện... vẫn méo mó. Có phải cơ chế phân bổ nguồn lực không tuân theo nguyên tắc thị trường, cơ chế xin - cho hành chính, kế hoạch tập trung làm các thị trường vận hành thiếu đồng bộ?
Đây là lý do các vấn đề này phải được thảo luận nghiêm túc, càng sớm càng tốt để các bước thực hiện đảm bảo thống nhất về tư duy, hành động. Tiền đề để kinh tế vận hành được là phải có luật phù hợp.
Bàn riêng về thị trường đất đai, trong kế hoạch, Luật Đất đai sửa đổi sẽ hoàn tất vào năm 2022. Trong năm 2021, sẽ có đề án tổng kết việc thi hành Luật này.
Nếu tính từ năm 1987, khi Luật Đất đai đầu tiên được ban hành đến Luật Đất đai 2013, đã có 4 lần ban hành luật mới, 2 lần sửa đổi, bổ sung. Trong nhiều lần tổng kết thực thi, thực trạng lỡ nhịp phát triển, vừa ban hành đã thấy cần phải sửa đổi... được nhắc đến.
Luật Đất đai là luật rất cơ bản về nguồn lực cơ bản của nền kinh tế, nếu sửa nhiều, lại lỡ nhịp như vậy, thì làm sao thị trường đất đai phát triển được. Nên lần này, tinh thần là, định hướng rõ ràng của Nghị quyết Đại hội XIII về yêu cầu phát triển thị trường đất đai phải thực sự được luật hóa.
Thử hình dung, đất không phải là đất lúa, đi thế chấp vay ngân hàng, tiền vay trở thành chất xúc tác để các nguồn lực chạy được. Thực chất của việc này là với một mảnh đất, có thể huy động nguồn lực gấp nhiều lần, nguồn lực ở đây không chỉ là tiền, mà là vật liệu xây dựng, nhân lực và cả trí lực... Nguồn lực được nhân bội lên. Khi đó, tăng trưởng thêm 1-2% không phải là vấn đề cần tranh luận nhiều.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương hay nói đến việc kinh tế Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng 8-10% nếu các nguồn lực được phân bổ đúng nguyên tắc thị trường.
Đúng vậy. Song quan trọng là khi đó, cấu trúc tăng trưởng sẽ thay đổi. Ở đây, nguyên tắc là huy động được nguồn lực, tăng vòng quay của các lực lượng vật chất. Cấu trúc kinh tế phải dựa trên nền tảng khu vực tư nhân, mà trục chính là các tập đoàn kinh tế mạnh, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân.
Không gian cho kinh tế tư nhân phát triển, đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo, sẽ làm nên một đợt thay máu cho nền kinh tế.
Vậy theo ông, đầu bài nào cho phát triển giai đoạn này cần ưu tiên giải?
Tôi vẫn muốn nhắc lại câu nói “không thể lãng phí cuộc khủng hoảng”. Covid-19 đang tạo cơ hội để chúng ta chấp nhận loại bỏ những cái cũ, không phù hợp để thiết lập các cấu trúc mới, không để thể chế trói buộc sự phát triển.
Để luật hóa nghị quyết, tôi cho rằng, lực lượng làm luật phải là những người am hiểu về kinh tế thị trường đúng xu hướng tất yếu, tích cực, am hiểu về 4.0, về hội nhập, về thời đại để không thể tái diễn tình trạng văn bản luật vừa ban hành đã thấy nhiều điều bất cập.
Vậy nên, tôi kỳ vọng doanh nhân, chuyên gia về công nghệ tham gia nhiều hơn vào Quốc hội. Có thể mời chuyên gia, trí thức Việt kiều tham gia quá trình xây dựng pháp luật, để luật pháp thực sự là khung khổ cho phát triển...