Khả năng tiếp tục kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu

0:00 / 0:00
0:00
Với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tăng trưởng âm hoặc tăng rất thấp trong nửa đầu năm, nhiều khả năng, lạm phát cả năm sẽ được kiểm soát ở mức dưới 4% theo mục tiêu của Quốc hội.
Khả năng tiếp tục kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu

Trong nửa đầu năm nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với tháng trước, so với tháng 12/2019 và CPI bình quân kỳ này so với bình quân cùng kỳ năm trước tăng trưởng âm hoặc tăng rất thấp.

Từ diễn biến CPI trong 6 tháng có thể rút ra một số nhận xét đáng lưu ý theo các góc độ khác nhau.

Xét theo thời gian, tháng 1 là tháng có 2 tết (Dương lịch, Nguyên đán), nên CPI đã tăng khá cao (cao nhất tính theo tháng 1 từ năm 2012). Trong 6 tháng, có tới 4 tháng CPI giảm liên tiếp - là diễn biến hiếm thấy trong nhiều năm qua. So với tháng 12/2019, CPI cũng tăng chậm lại, giảm liên tục trong 3 kỳ gần đây, nên tính chung 6 tháng vẫn giảm - cũng là diễn biến hiếm thấy trong nhiều năm qua.

CPI bình quân tuy ở mức khá cao ở kỳ tháng 1, nhưng sau đó đã liên tục tăng chậm lại.

Xét theo nhóm hàng hóa dịch vụ trong 11 nhóm giá tăng, nhưng tăng cao hơn tốc độ chung chỉ có 2 nhóm.

Tăng cao nhất là hàng ăn và dịch vụ ăn uống, trong đó chủ yếu là thực phẩm, tiếp đến là ăn uống ngoài gia đình, còn lương thực tăng thấp.

Tăng cao thứ hai là giáo dục. Các nhóm hàng khác tăng thấp, thậm chí có 3 nhóm hàng giảm: giảm sâu nhất là giao thông, tiếp đến là bưu chính - viễn thông và văn hóa, giải trí, du lịch.

Xét theo yếu tố làm cho CPI tính theo tháng giảm và CPI bình quân tăng chậm lại có nhiều, trong đó có 3 nhóm chủ yếu.

Khả năng tiếp tục kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu ảnh 1

Nhóm thứ nhất có tính chất tổng quát thuộc về quan hệ cân đối giữa sản xuất và sử dụng GDP, giữa cung và cầu. Từ 5 năm nay, sản xuất GDP cao hơn tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng ở trong nước.

Biểu hiện rõ nhất là đã 4 năm liên tục xuất siêu; 6 tháng đầu năm 2020 cũng xuất siêu. Xuất siêu đồng nghĩa với việc quy mô tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng ở trong nước thấp hơn quy mô sản xuất GDP ở trong nước.

Nhóm thứ hai là tiền tệ, tín dụng - yếu tố trực tiếp tác động và làm cho lạm phát có lộ ra hay không. Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 5 tháng đầu năm nay, lượng tiền cho vay thấp hơn lượng tiền huy động.

Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay thấp xa so với cùng kỳ năm trước và thấp xa so với định hướng cả năm (2,45% so với 4,35% và 14%).

Nhóm thứ ba là yếu tố tâm lý. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng thấp hơn tốc độ tăng CPI bình quân (2,81% so với 4,19%). Tỷ giá VND/USD cơ bản ổn định, sau 6 tháng chỉ tăng 0,47%, chứng tỏ lòng tin vào đồng tiền quốc gia được cải thiện…

Tốc độ tăng CPI tính theo tháng trong những tháng tới có thể có tháng mang dấu dương, nhưng tính chung cả năm sẽ tăng thấp xa so với tốc độ tăng tương ứng trong 4 năm trước (năm 2016 tăng 4,74%, năm 2017 tăng 2,6%, năm 2018 tăng 2,98%, năm 2019 tăng 5,23%).

Nhiều chuyên gia dự đoán, CPI bình quân cả năm nay sẽ cao hơn các con số tương ứng trong các năm 2015 - 2019 (năm 2015 tăng 0,63%, năm 2016 tăng 2,66%, năm 2017 tăng 3,53%, năm 2018 tăng 3,54%, năm 2019 tăng 2,79%), nhưng sẽ ở mức dưới 4% như Nghị quyết của Quốc hội. Như vậy, lạm phát năm nay sẽ được kiểm soát theo mục tiêu.

Tuy nhiên, việc kiểm soát lạm phát năm nay cũng có một số điểm đáng lưu ý.

Mục tiêu và việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu mấy năm qua được coi là tích cực, được coi là thành công, vì vừa kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu, vừa tăng trưởng GDP đạt hoặc vượt mục tiêu; tốc độ tăng CPI thấp xa so với tốc độ tăng GDP.

Năm nay, việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu không được coi là thành công kép, bởi đạt được trong điều kiện GDP tuy vẫn tăng trưởng dương, nhưng không đạt được mục tiêu tăng 6,8% theo Nghị quyết của Quốc hội.

Điểm cần quan tâm nữa là, Covid-19 làm cho nhiều nền kinh tế phải hạ thấp lãi suất, tung ra các gói kích thích/kích cầu lớn, nên tất yếu sẽ làm cho lạm phát trên thế giới tăng cao, ảnh hưởng đến lạm phát trong nước…

Lâm Đào
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục