Phải luôn duy trì khả năng thanh toán theo luật định
Pháp luật quy định, trong quá trình hoạt động kinh doanh, ngoài việc tăng doanh thu chiếm lĩnh thị phần thì các DNBH còn phải có trách nhiệm duy trì và cam kết khả năng thanh toán của mình và DNBH chỉ được coi là có đủ khả năng thanh toán khi đã trích lập đầy đủ dự phòng nghiệp vụ và có biên khả năng thanh toán không thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định.
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 46/2007/NĐ-CP ngày 27/3/2007 thì “Biên khả năng thanh toán của DNBH là phần chênh lệch giữa giá trị tài sản và các khoản nợ phải trả của DNBH tại thời điểm tính biên khả năng thanh toán. Các tài sản tính biên khả năng thanh toán của DNBH phải bảo đảm tính thanh khoản”.
Pháp luật cũng quy định rõ về cách xác định biên khả năng thanh toán tối thiểu, theo đó đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ thì biên khả năng thanh toán tối thiểu là lấy kết quả tính toán lớn hơn giữa 25% tổng phí bảo hiểm thực giữ lại và 12,5% của tổng phí bảo hiểm gốc và phí nhận tái bảo hiểm tại thời điểm tính biên khả năng thanh toán.
Thạc sĩ Đinh Hoàng Hà, Phó giám đốc phụ trách Marketing, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh
Đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm nhân thọ thì biên khả năng thanh toán tối thiểu có cách tính khác và căn cứ theo thời hạn hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể, đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn 5 năm trở xuống thì biên khả năng thanh toán tối thiểu bằng tổng của 4% dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và 0,1% số tiền bảo hiểm chịu rủi ro; đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có thời hạn trên 5 năm thì biên khả năng thanh toán tối thiểu bằng tổng của 4% dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và 0,3% số tiền bảo hiểm chịu rủi ro.
Bộ Tài chính, khi nhận được đề nghị, sẽ căn cứ vào báo cáo tài chính để xác nhận biên khả năng thanh toán cho các DNBH tại một thời điểm cụ thể. Việc xác nhận này giúp cho các DNBH trong việc tham gia đấu thầu các dự án lớn hoặc theo yêu cầu của đối tác, khách hàng hoặc theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền. Và khi biên khả năng thanh toán được xác nhận cũng sẽ đồng nghĩa với việc DNBH đó đã trích đầy đủ các loại quỹ theo quy định để đảm bảo khả năng chi trả cho khách hàng, nhưng điều quan trọng hơn cả là chứng minh DNBH đó đang thực sự khỏe mạnh.
Luật định là thế, nhưng trên thực tế do sức ép cạnh tranh, nhiều DNBH đã giành giật khách hàng bằng cách hạ phí bảo hiểm hoặc tăng chi phí cho khâu khai thác, thậm chí dùng cả “chính sách bồi thường” để thu hút khách hàng. Hậu quả là khiến không ít DNBH rơi vào tình trạng có biên khả năng thanh toán không cao, thậm chí còn ở tình trạng xấp xỉ mức mất khả năng thanh toán, từ đó nguy cơ bị đưa vào diện kiểm soát hoặc phải sáp nhập, giải thể hay phá sản là luôn tiềm tàng.
Nguy cơ mất khả năng thanh toán
Theo Điều 80 Luật Kinh doanh bảo hiểm, khi DNBH có nguy cơ mất khả năng thanh toán thì sẽ bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt và Bộ Tài chính sẽ ra quyết định thành lập Ban kiểm soát khả năng thanh toán để áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán của DNBH.
DNBH bị coi là có nguy cơ mất khả năng thanh toán khi biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp đó thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu theo quy định như cách tính nêu trên. Khi có nguy cơ mất khả năng thanh toán thì DNBH phải chủ động thực hiện ngay các biện pháp tự khôi phục khả năng thanh toán, đồng thời báo cáo Bộ Tài chính về thực trạng tài chính, nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mất khả năng thanh toán và phương án khôi phục khả năng thanh toán. Bộ Tài chính sẽ giám sát việc tự khôi phục này của doanh nghiệp nhằm đảm bảo các quyền lợi cho khách hàng.
Trong trường hợp DNBH không tự khôi phục được khả năng thanh toán thì Bộ Tài chính sẽ yêu cầu doanh nghiệp đó thực hiện khôi phục khả năng thanh toán thông qua những biện pháp như: bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu; tăng tỷ lệ tái bảo hiểm; thu hẹp nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động; đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động; củng cố tổ chức bộ máy và thay đổi người quản trị, điều hành của doanh nghiệp; yêu cầu chuyển giao hợp đồng bảo hiểm...
Phải cân bằng giữa biên khả năng thanh toán và lợi nhuận
Kinh doanh là phải đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, nhưng đối với các DNBH thì ngoài việc tăng về lợi nhuận, còn phải đặt mục tiêu đảm bảo và duy trì được biên khả năng thanh toán đối với các hợp đồng bảo hiểm đã cấp. Khi biên khả năng thanh toán được duy trì tốt thì đó chính là thước đo, là cơ sở để thực hiện mục tiêu lợi nhuận.
Song trên thực tế, có mâu thuẫn trong việc thực hiệc hai mục tiêu này bởi bản chất của hai mục tiêu này là đối lập nhau. Nếu chạy theo khả năng sinh lời cao để đạt mục tiêu lợi nhuận thì nguy cơ DNBH bị mất khả năng thanh toán cũng cao. Ngược lại, khi khả năng thanh toán đảm bảo duy trì ở mức cao thì khả năng sinh lời sẽ là thấp, từ đó không đạt được mục tiêu về lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vì thế, trong quá trình tổ chức kinh doanh, DNBH phải luôn đề ra và chủ động giám sát các giải pháp để cân bằng giữa hai mục tiêu này.
Trong năm 2014, có 8 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) hoàn thành tăng vốn điều lệ (trong đó có 4 DNBH phi nhân thọ, 3 DNBH nhân thọ) với tổng số tiền là 2.037,14 tỷ đồng (trong đó DNBH nhân thọ tăng 1.375,14 tỷ đồng, DNBH phi nhân thọ tăng tăng 662 tỷ đồng). Ngoài ra, có 4 DNBH phi nhân thọ đã được chấp thuận tăng vốn với tổng số tiền là 832 tỷ đồng và 1 DNBH nhân thọ (Great Eastern) được chấp thuận tăng vốn thêm 90 tỷ đồng. Theo đánh giá, 43/45 DNBH (trừ hai công ty bảo hiểm phi nhân thọ) đảm bảo an toàn về vốn theo quy định. (Nguồn: Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính) |