Kết quả kinh doanh khiến Phố Wall chóng mặt

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh trái chiều của các doanh nghiệp khiến Phố Wall liên tục đổi chiều. Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục trái chiều.
Kết quả kinh doanh khiến Phố Wall chóng mặt
Sau khi công bố kết quả kinh doanh tiêu cực với quý thứ 4 liên tiếp giảm doanh thu ngày hôm trước, cổ phiếu của của gã khổng lồ công nghệ IBM tiếp tục giảm mạnh trong phiên 22/1 và kéo Dow Jones giảm điểm. Trong khi đó, Nasdaq lại tăng khá nhờ kết quả kinh doanh tốt của BlackBerry. S&P500 thì đảo chiều liên tục trong phiên do bị tác động khi các doanh nghiệp lần lượt công bố kết quả kinh doanh.

Kết thúc phiên 22/1, chỉ số Dow Jones giảm 41,10 điểm (-0,25%), xuống 16.373,34 điểm. Chỉ số 500 tăng 1,06 điểm (+0,06%), lên 1.844,86 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 17,24 điểm (+0,41%), lên 4.243,00 điểm.

Theo số liệu của Thomson Reuters, trong 16% số doanh nghiệp của chỉ số S&P 500 đã báo cáo, có khoảng 61% có lợi nhuận vượt kỳ vọng, so với mức trung bình của 67% của 4 quý vừa qua. Hơn 66% số doanh nghiệp có doanh thu vượt kỳ vọng, trên mức trung bình 55% trong 4 quý.

Cũng giống như chứng khoán Mỹ, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng trái chiều nhau trong phiên 22/1 do tác động của kết quả kinh doanh các doanh nghiệp.

Một thông tin khá quan trọng khác là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) công nghiệp của khu vực eurozone trong tháng 1/2014 tặng nhẹ lên 52,4 so với 52,1 của tháng 12/2013, cho thấy nền sản xuất của khu vực vẫn giữ được đà tăng trưởng khá. Việc chỉ số PMI khu vực khả quan nhờ đóng góp chính của đầu tàu Đức, trong khi nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực là Pháp lại có những dấu hiệu tụt lùi.

Đóng cửa phiên 22/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 7,93 điểm (-0,12%), xuống 6.826,33 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 10,01 điểm (-0,1%), xuống 9.720,11 điểm. Trong khi đó, chỉ số CAC tại Pháp lại tăng 1,11 điểm (+0,03%), lên 4.324,98 điểm.

Trái ngược với chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á lại có phiên giao dịch khá tích cực ngày thứ Tư, đặc biệt là thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Kết thúc phiên 22/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 25 điểm (+0,16%), lên 15.820,96 điểm. Chỉ số HangSeng Index tại Hồng Kông tăng 49,13 điểm (+0,21%), lên 23.082,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 43,44 điểm (+2,16%), lên 2.051,75 điểm.

Hôm nay, thị trường sẽ đón nhận thông tin về chỉ số PMI của Trung Quốc. Dữ liệu này cho nhà đầu tư thấy sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Trong tháng 12/2013, chỉ số PMI của Trung Quốc giảm xuống còn 50,5, mức thấp nhất trong 3 tháng, khiến chứng khoán Trung Quốc có chuỗi giảm điểm khá dài.

Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này sau khi không chinh phục thành công ngưỡng kháng cự mạnh 1.260 USD/ounce trong phiên trước đó, đã quay đầu giảm mạnh và phá vỡ luôn ngưỡng 1.245 USD/ounce. Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, giá vàng chủ yếu là đi ngang, nhưng giảm về cuối phiên và cũng phá luôn ngưỡng 1.240 USD/ounce.

Kết thúc phiên 22/1, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 3,8 USD (-0,31%), xuống 1.236,8 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 trên sàn Comex giảm 3,2 USD (-0,26%), xuống 1.238,6 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô lại tăng vọt trở lại. Kết thúc phiên 22/1, giá dầu thô trên thị trường New York tăng 1,76 USD (+1,82%), lên 96,73 USD/thùng. Giá dầu Brent tăng 1,54 USD (+1,42%), lên 108,27 USD/thùng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục