S&P500 phục hồi, Dow Jones gây thất vọng

(ĐTCK) S&P500 đã phục hồi trở lại sau 2 phiên giảm điểm, trong khi đó, Dow Jones lại gây thất vọng khi mất điểm vào phút chót.
Giới đầu tư Phố Wall buồn vui lẫn lộn - Ảnh: Reuters Giới đầu tư Phố Wall buồn vui lẫn lộn - Ảnh: Reuters
Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu kế hoạch cắt giảm gói kích thích kinh tế QE3 của mình. Tuy nhiên, Phố Wall đang trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV, nên mức tác động từ việc cắt giảm gói QE3 chưa tác động nhiều tới chứng khoán.

Trong phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới (phiên thứ Hai, chứng khoán Mỹ nghỉ giao dịch), các chỉ số cũng có sự biến động trái chiều, nhưng theo hướng ngược lại của phiên cuối tuần trước.

Trong khi S&P500 hồi phục trở lại sau 2 phiên giảm nhờ nhóm cổ phiếu ngành nguyên vật liệu và năng lượng, thì Dow Jones lại đảo chiều giảm điểm bởi kết quả kinh doanh kém khả quan của các cổ phiếu trong danh mục như Travelers Cos Inc, Verizon Communications Inc và Johnson & Johnson.

Kết thúc phiên 21/1, chỉ số Dow Jones giảm 44,12 điểm (-0,27%), xuống 16.414,44 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 5,10 điểm (+0,28%), lên 1.843,80 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 28,18 điểm (+0,67%), lên 4.225,76 điểm.

Theo Thomson Reuters, lợi nhuận trong quý IV dự kiến ​​sẽ tăng 7% so với năm trước. Trong số 61 công ty trong rô S&P500 đã báo cáo cho đến nay, khoảng 56% có lợi nhuận như kỳ vọng, thấp hơn mức trung bình 63% từ 1994. Trong khi đó, có khoảng 71% doanh nghiệp có doanh thu tốt như hoặc hơn dự báo, trên mức trung bình 61% tính từ 1994.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu có phiên giao dịch tích cực nhờ kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố và triển vọng kinh tế tích cực của thế giới cũng như khu vực.

Kết quả kinh doanh được cải thiện ở các thị trường như Nga, Trung Quốc, Indonesia giúp Unilever có lợi nhuận năm 2013 tốt hơn dự kiến. Trong khi đó, cũng nhờ các thị trương mới nổi, Remy Cointreau SA của Pháp cũng có kết quả khả quan trong năm tài chính vừa qua và có triển vọng tốt trong năm tài chính 2014/2015.

Một thông tin khác cũng hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán châu Âu là chỉ số niềm tin của người dân do Viện ZEW của Đức khảo sát đã tăng mạnh.

Tuy nhiên, chứng khoán châu Âu không duy trì được đà tăng mạnh khi bị hãm dần về cuối phiên và chỉ còn giữ được mức tăng khiêm tốn, thậm chí chứng khoán London còn đảo chiều giảm điểm khi giới đầu tư bắt đầu lo lắng về kế hoạch cắt giảm gói QE3 của FED.

Đóng cửa phiên 21/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 2,47 điểm (-0,04%), xuống 6.834,26 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 14,22 điểm (+0,15%), lên 9.730,12 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 1,01 điểm (+0,02%), lên 4.323,87 điểm.

Thị trường chứng khoán châu Á đồng loạt tăng điểm, trong đó, chứng khoán Trung Quốc lên mức cao nhất 6 tháng sau khi Ngân hàng Trung ương nước này quyết định bơm tiền vào hệ thống tài chính, để tránh tình trạng thiếu thanh khoản đã từng xảy ra hồi tháng 6 năm ngoái.

Chứng khoán Nhật Bản cũng có phiên tăng lấy lại gần như những gì đã mất trong 3 phiên giảm trước đó nhờ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn như Co và Toyota.

Kết thúc phiên 21/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 154,28 điểm (+0,99%), lên 15.795,96 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông tăng 104,17 điểm (+0,45%), lên 23.033,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 17,06 điểm (+0,86%), lên 2.008,31 điểm.

Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch sáng nay (22/1), chứng khoán châu Á có dấu hiệu đi xuống bởi ảnh hưởng từ việc FED bắt đầu cắt giảm gói QE3. Khi đó, giới đầu tư châu Á lo lắng, dòng tiền nước ngoài sẽ rút khỏi thị trường chứng khoán châu Á.

Cũng giống như các nhà đầu tư chứng khoán, các nhà đầu tư trên thị trường vàng cũng đã mạnh tay bán ra để thu tiền về, ứng phó với kế hoạch cắt giảm gói QE3 của FED. Chính động thái này đã khiến kim loại quý giảm mạnh trong phiên 21/1.

Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 14,1 USD (-1,12%), xuống 1.240,60 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 trên sàn Comex giảm 10,1 USD (-0,81%), xuống 1.241,8 USD/ounce.

Giá dầu trái chiều. Trong khi dầu thô trên thị trường New York tiếp tục tăng nhẹ khi một nhà máy lọc dầu tại Illinois sắp mở cửa trở lại và một nhà máy mới ở miền Trung Tây của Mỹ sắp đi vào hoạt động, nên nhu cầu nguyên liệu dầu thô đầu vào sẽ tăng lên. Trong khi đó, giá dầu Brent tiếp tục giảm, với mức giảm mạnh hơn trong phiên 21/1.

Kết thúc phiên 21/1, giá dầu thô trên thị trường New York tăng 0,6 USD (+0,64%), lên 94,97 USD/thùng, trong khi đó, giá dầu Brent giảm 1,42 USD (-1,33%), xuống 105,64 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục