Kết quả hoạt động tín dụng năm 2020 và định hướng 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp với định hướng chung.
Tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.

Các nhóm giải pháp điều hành tín dụng năm 2020

Năm 2020, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành các cơ chế chính sách, điều hành, định hướng, đưa ra các giải pháp về tín dụng trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bám sát các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, lạm phát do Quốc hội đề ra.

Thứ nhất, tăng trưởng và mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện điều chỉnh linh hoạt các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trên cơ sở đánh giá thực chất tình hình hoạt động, khả năng tài chính và năng lực của từng tổ chức tín dụng.

Thứ hai, triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên tinh thần đồng hành, chia sẻ, cùng vượt qua khó khăn.

Cụ thể, ngày 13/3/2020, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ và tiếp tục cho vay mới để thực hiện các dự án sản xuất - kinh doanh có hiệu quả. Để tạo điều kiện hơn nữa cho các tổ chức tín dụng và khách hàng vay vốn, ngày 2/4/2021, Thông tư 03/2021/TT-NHNN được ban hành, sửa đổi, bổ sung Thông tư 01/2020/TT-NHNN.

Ngày 31/3/2020, Ngân hàng Nhà nước ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng trong phòng chống Covid-19, yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng; tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa, chia sẻ khó khăn với khách hàng.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành các thông tư quy định việc tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng với lãi suất 0%/năm để hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội cho người sử dụng lao động gặp khó khăn về tài chính vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch theo đúng tinh thần các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Cơ quan quản lý còn triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không trong bối cảnh chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh.

Thứ ba, chú trọng công tác xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh công tác kết nối, trao đổi giữa ngân hàng và doanh nghiệp nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý những khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; xử lý các khó khăn tài chính của các doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty; chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng luôn quan tâm chỉ đạo công tác xử lý nợ, góp phần thực hiện thành công quá trình tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế của Chính phủ.

Ảnh tác giả

Mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Ông Nguyễn Tuấn Anh , Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước

Thứ tư, rà soát để tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực, góp phần đưa chủ trương, đường lối về phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Hệ thống chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực luôn đồng bộ và phù hợp với các chính sách hỗ trợ phát triển khác của Nhà nước không chỉ tạo điều kiện thuận lợi mở rộng tín dụng phục vụ tăng trưởng, phát triển kinh tế, mà còn hướng tới tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ năm, tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Thứ sáu, triển khai nhiều giải pháp quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chương trình tín dụng chính sách, nâng cao năng lực hoạt động của ngân hàng này trong việc thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước, phát huy tốt vai trò của tín dụng chính sách trong công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; quan tâm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh.

Kết quả tín dụng góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Các cơ chế chính sách, điều hành, định hướng và các giải pháp về tín dụng của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.

Dư nợ tín dụng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực, đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tính đến cuối năm 2020, tăng trưởng tín dụng đạt 12,17%, đóng góp vào mức tăng 2,91% của GDP - là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới. Đến cuối quý I/2021, tín dụng tăng 2,93%, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.

Cơ cấu nguồn vốn tín dụng có xu hướng chuyển dịch phù hợp với cơ cấu ngành kinh tế. Dư nợ ngành thương mại, dịch vụ chiếm 63,34%; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 28,27%; ngành nông, lâm thủy sản chiếm 8,4% tổng dư nợ nền kinh tế năm 2020. Về tốc độ tăng trưởng, dư nợ tín dụng năm 2020 đối với ngành thương mại và dịch vụ tăng 13,9% (quý I/2021 tăng 2,79%); ngành công nghiệp, xây dựng tăng 9,6% (quý I/2021 tăng 3,42%); ngành nông, lâm thủy sản tăng 8,3% (quý I/2021 tăng 2,42%).

Tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Đến cuối năm 2020, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên có tốc độ tăng trưởng tốt như tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13,66% (cuối quý I/2021 tăng 1,8%); lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 11,52% (cuối quý I/2021 tăng 2,33%); doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 13,56% (cuối quý I/2021 tăng 1,49%).

Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và các lĩnh vực cần tăng cường quản lý rủi ro tiếp tục được kiểm soát: tín dụng đối với dự án BOT, BT giao thông năm 2020 giảm 1,76% so với cuối năm 2019 (quý I/2021 giảm 0,15%); tín dụng phục vụ đời sống, tín dụng bất động sản có tốc độ tăng trưởng thấp hơn tốc độ tăng tín dụng chung (năm 2020 tăng lần lượt là 10,15% và 11,9%; quý I/2021 tăng 1,2% và 3%); dư nợ cho vay chứng khoán quý I/2021 giảm 1%.

Đến cuối quý I/2021, tín dụng tăng 2,93%, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.

Đến cuối quý I/2021, tín dụng tăng 2,93%, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020.

Về tín dụng chính sách, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục là nguồn lực quan trọng trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn vừa qua.

Đến cuối năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai cho vay trên 10 triệu lượt khách hàng với tổng doanh số cho vay gần 321.000 tỷ đồng.

Đến cuối quý I/2021, dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt gần 230.600 tỷ đồng, tăng 1,93% so với cuối năm 2020, với gần 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng ngân hàng chiếm trên 60% tổng nguồn lực của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần hoàn thành chương trình sớm 18 tháng so với kế hoạch.

Các tổ chức tín dụng cũng đã quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, đến hết quý I/2021 đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 262.000 khách hàng với dư nợ 353.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 660.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đạt 3,11 triệu tỷ đồng cho hơn 452.000 khách hàng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội (đến 22/3/2021) đã thực hiện gia hạn nợ cho hơn 171.000 khách hàng với dư nợ 4.300 tỷ đồng, cho vay mới đối với 2,4 triệu khách hàng với số tiền 88.500 tỷ đồng.

Nhìn chung, những chính sách điều hành tín dụng của Ngân hàng Nhà nước thời gian vừa qua đã đóng góp quan trọng vào ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Quy mô hoạt động, nguồn vốn huy động và dư nợ tín dụng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn cho sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Cơ cấu tín dụng có xu hướng chuyển dịch phù hợp với cơ cấu ngành kinh tế, tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro trong tầm kiểm soát về cả quy mô và chất lượng tín dụng theo đúng định hướng và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Đồng thời, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của ngành ngân hàng đến nay được đánh giá là hiệu quả, kịp thời và thiết thực, hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh và góp phần thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Các nhiệm vụ trọng tâm của hoạt động tín dụng năm 2021

Ngân hàng Nhà nước bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước và quốc tế để điều hành tín dụng phù hợp với định hướng chung, tăng trưởng theo hướng mở rộng tín dụng, tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh; định hướng cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững.

Đồng thời, kiểm soát chặt tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư kinh doanh bất động sản, các dự án BOT, BT giao thông, chứng khoán; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Tích cực triển khai các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với các ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng trong các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh để phục hồi sản xuất - kinh doanh.

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của người dân, góp phần hạn chế tín dụng đen.

Tăng cường phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.

Nghiên cứu xây dựng hướng dẫn ngân hàng xanh, tín dụng xanh để thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2025 và hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định về tín dụng ngành, lĩnh vực, hoạt động mua bán nợ của tổ chức tín dụng, hoạt động bảo lãnh.

Nguyễn Tuấn Anh
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2021

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục