Kết nối và phát triển hệ sinh thái số, hướng đến mô hình ngân hàng mở

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) LTS: Ngành ngân hàng đang đứng trước cuộc cách mạng số hóa toàn diện, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động và mang đến trải nghiệm khách hàng vượt trội. Xu hướng ngân hàng mở (Open Banking) là một trong những động lực chính thúc đẩy sự thay đổi này, hứa hẹn tạo ra bước phát triển đột phá về cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Các ngân hàng Việt đang nỗ lực kết nối khách hàng vào hệ sinh thái số Các ngân hàng Việt đang nỗ lực kết nối khách hàng vào hệ sinh thái số

Với quan điểm khách hàng là trung tâm, trải nghiệm khách hàng là thước đo của chuyển đổi số, tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng (ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN), ngành ngân hàng đặt mục tiêu và giải pháp hướng đến gia tăng tiện ích, trải nghiệm và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Để hiểu rõ hơn về xu hướng phát triển hệ sinh thái số, hướng đến ngân hàng mở, bài viết sau đây sẽ chia sẻ thêm một số thông tin về hoạt động ngân hàng mở trên thế giới và thực tiễn các hoạt động kết nối, tích hợp cung ứng dịch vụ giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác tại Việt Nam.

Tổng quan về ngân hàng mở (Open banking)

Việc ứng dụng các công nghệ mới đã tạo ra những thay đổi chưa từng có trong hình thức kinh doanh, sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng. Hiện nay, ngân hàng mở đang dần trở thành xu thế, làm thay đổi thị trường tài chính. Ngân hàng mở được mô tả như một loại hệ sinh thái tài chính cho phép các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba quyền truy cập mở vào dữ liệu ngân hàng thông qua việc sử dụng các giao diện lập trình ứng dụng (Application Programming Interface - API).

Theo đó, ngân hàng sẽ chủ động “mở” dữ liệu ngân hàng theo cách thức có kiểm soát, cho phép các nhà cung cấp dịch vụ thứ ba (third-party service providers - TPP) sử dụng dữ liệu ngân hàng để thử nghiệm, xây dựng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ đa dạng, đổi mới sáng tạo, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho khách hàng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Ở chiều ngược lại, thông qua API, ngân hàng cho phép các đối tác tích hợp để cung ứng sản phẩm/dịch vụ của chính ngân hàng trên nền tảng và hệ sinh thái của các đối tác. Khi dịch vụ ngân hàng được ‘nhúng’ vào tất cả các hệ sinh thái khác nhau thì các giao dịch ngân hàng sẽ được ẩn trong trải nghiệm mua hàng/sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp đối tác.

Ở mức độ cao nhất, ngân hàng mở hướng tới các mô hình như: “tài chính mở” (open finance) cho phép chia sẻ, liên thông dữ liệu khách hàng vượt ra ngoài phạm vi ngành ngân hàng, bao hàm cả các dịch vụ tài chính khác như đầu tư, bảo hiểm... và “dữ liệu mở” (open data) cho phép chia sẻ, liên thông dữ liệu khách hàng ở phạm vi toàn bộ nền kinh tế.

Tình hình triển khai mô hình ngân hàng mở

Theo báo cáo nghiên cứu của Market Insights & Analysis, quy mô thị trường ngân hàng mở toàn cầu được định giá là 22,31 tỷ USD vào năm 2023 và được dự đoán tốc độ tăng trưởng gộp hàng năm (CAGR) là 25,47% trong giai đoạn từ 2024 - 2030. Thị trường ngân hàng mở toàn cầu được phân chia thành: thị trường ngân hàng và vốn, thanh toán, tiền kỹ thuật số, dịch vụ giá trị gia tăng và các dịch vụ khác. Trong số này, phân khúc thanh toán đang thống trị thị trường với thị phần doanh thu lớn nhất trong giai đoạn dự báo. Trong đó, châu Âu chiếm thị phần lớn nhất với hơn 38,8%. Chỉ thị Dịch vụ Thanh toán sửa đổi (Payment Service Directive - PSD2) của châu Âu yêu cầu các tổ chức tín dụng chia sẻ dữ liệu khách hàng cho các bên thứ ba đã góp phần thúc đẩy việc mở rộng ngành ở khu vực này. Thị trường châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh nhất. Sự mở rộng của thị trường khu vực có thể là do nhận thức rõ hơn về lợi ích của hệ thống tài chính mở ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản.

Có không ít doanh nghiệp trên thế giới đã vận dụng ngân hàng mở nhằm mang lại trải nghiệm tối ưu hơn cho khách hàng. Sync, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại London - Anh, đã cho phép người dùng quản lý tất cả tài khoản tài chính của họ từ các ngân hàng khác nhau trên cùng một ứng dụng. Việc hợp tác và liên kết giữa ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba (TPP) và nhà bán lẻ có thể tạo ra một hệ sinh thái. Trên thực tế, theo báo cáo của Accenture, 89% ngân hàng sẵn sàng xây dựng nền tảng hệ sinh thái với các dịch vụ bên thứ ba nhằm mục đích mang lại lợi ích cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp.

DBS, một ngân hàng có trụ sở tại Singapore, cung cấp một thị trường trực tuyến trọn gói cho khách hàng đang tìm kiếm mua hoặc bán xe thông qua Car Marketplace của mình. Tại Indonesia, Bank Andara và Fundamo đã ra mắt mạng lưới dịch vụ tài chính vi mô trên nền tảng di động, được xây dựng trên các API mở, cho phép các tổ chức tài chính vi mô có thể tiếp cận tới 40 triệu người dân Indonesia. Ngân hàng mở có thể giúp họ tiếp cận các dịch vụ sáng tạo như bảo hiểm vi mô mà trước đây họ không thể tiếp cận.

Ngân hàng số nằm trong tổng thể xã hội số

Ngân hàng số nằm trong tổng thể xã hội số

Một số thách thức trong triển khai ngân hàng mở

Mặc dù có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, việc phát triển hệ sinh thái ngành hướng tới mô hình ngân hàng mở còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như:

Thứ nhất, thách thức về tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn dữ liệu. Ngân hàng mở đòi hỏi các ngân hàng truyền thống trong việc đổi mới và đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ để tích hợp, chia sẻ API cho các đối tác. Bên cạnh đó, để có thể thúc đẩy phát triển ngân hàng mở đòi hỏi việc xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn chung về dữ liệu, API trên phạm vi toàn thị trường. Theo báo cáo năm 2023 của EMA, chỉ có 10% các tổ chức lớn xây dựng tài liệu mô tả đầy đủ về API của mình.

Thứ hai, thách thức về an toàn bảo mật. Ngân hàng mở tạo điều kiện cho các kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa ngân hàng truyền thống và các Bigtech, Fintech, các bên cung ứng dịch vụ thứ ba khác... tiềm ẩn rủi ro mở rộng bề mặt tấn công mạng (surface area attack) cho các đối tượng gian lận, lừa đảo. Các tổ chức tài chính là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai dựa trên số vụ vi phạm dữ liệu được báo cáo vào năm 2023. Các cuộc tấn công bằng mã độc (ransomware) vào các dịch vụ tài chính đã tăng từ 55% vào năm 2022 lên 64% vào năm 2023, gần gấp đôi so với mức 34% được báo cáo vào năm 2021. Vi phạm dữ liệu khiến ngành tài chính phải gánh chịu chi phí cao thứ hai trong số tất cả các lĩnh vực khác ở mức 5,9 triệu USD. Khảo sát của Pulse QA năm 2021 về mức độ sẵn sàng của các ngân hàng trong việc tuân thủ các quy định về ngân hàng mở tại châu Âu cho thấy, việc bảo vệ dữ liệu nhạy cảm trên các hệ thống và API là thách thức lớn nhất của 62% các tổ chức tham gia khảo sát.

Thứ ba, thách thức trong việc sẵn sàng triển khai ngân hàng mở: cũng tại Khảo sát của Pulse QA cho thấy, chỉ có 2% lãnh đạo tổ chức tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đáp ứng tất cả các yêu cầu về ngân hàng mở, 69% đã đáp ứng được một nửa hoặc ít hơn, chỉ 3% tổ chức dịch vụ tài chính (FS) tự tin rằng họ đã chuẩn bị cho thời hạn áp dụng quy định chia sẻ dữ liệu tại Chỉ thị dịch vụ thanh toán sửa đổi lần thứ 2 (PSD2) vào tháng 9/2021.

Thực trạng và xu hướng tại Việt Nam

Với quan điểm khách hàng là trung tâm, lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo chuyển đổi số, tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810/QĐ-NHNN năm 2021) đã đề ra nhiệm vụ “Đẩy mạnh nghiên cứu tích hợp, kết nối mở rộng với các ngành, lĩnh vực khác để thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ hướng đến các mô hình kinh doanh mới như Ngân hàng mở để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện, an toàn tiện lợi với chi phí thấp”; đồng thời, giao nhiệm vụ cho các đơn vị chức năng nghiên cứu, xây dựng “Quy định về thu thập, khai thác, xử lý và chia sẻ dữ liệu khách hàng với bên thứ ba, hướng tới việc phát triển ngân hàng mở, đa dạng hệ sinh thái ngân hàng”.

Ngày 15/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP về Thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó đã giao trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước “quy định việc quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt” (Khoản 1 Điều 4). Hiện Ngân hàng Nhà nước đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện Thông tư quy định về triển khai giao diện lập trình ứng dụng mở trong ngành ngân hàng (Thông tư về Open API), dự kiến sẽ sớm ban hành trong năm 2024.

Cùng với những chính sách, định hướng từ cơ quan quản lý về chuyển đổi số, thời gian qua, các ngân hàng đã kết nối, tích hợp với các ngành, lĩnh vực khác để mở rộng, phát triển hệ sinh thái số, mang lại trải nghiệm, gia tăng tiện ích cho người dùng với 2 xu hướng chính: một là, tích hợp dịch vụ bên thứ ba trên kênh của ngân hàng (Banking as a Platform - BaaP), gia tăng tiện ích trên ứng dụng của ngân hàng với các dịch vụ vé máy bay, đặt taxi, mua sắm từ dịch vụ của các bên thứ ba; hai là, tích hợp dịch vụ ngân hàng trên kênh của bên thứ ba (Banking as a Service - BaaS), theo đó khách hàng có thể sử dụng phần mềm, ứng dụng do bên thứ ba cung cấp để thanh toán, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn, đề nghị cấp tín dụng.

Như vậy, khách hàng có thể thực hiện sử dụng các dịch vụ khác trên nền tảng số của ngân hàng, hoặc ngược lại, khách hàng cũng có thể sử dụng dịch vụ của ngân hàng từ các nền tảng số thuộc ngành, lĩnh vực khác. Dịch vụ ngân hàng sẽ không chỉ được thực hiện tại các kênh thuộc sở hữu của ngân hàng như quầy giao dịch, kênh ngân hàng điện tử mà còn được “nhúng”, được “tích hợp” vào các ứng dụng, các phần mềm, các nền tảng số mới trong các lĩnh vực của nền kinh tế.

Các ngân hàng Việt Nam đã và đang chủ động chuyển dịch mô hình kinh doanh từ truyền thống sang xu hướng giao tiếp với khách hàng bằng các kênh điện tử để có thể cung ứng dịch vụ cho khách hàng mà không bị giới hạn về không gian, thời gian và bối cảnh vật lý. Nhiều ngân hàng cũng có chiến lược phát triển, mở rộng kênh phân phối mới để phục vụ khách hàng thông qua việc kết hợp với các đối tác, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, các công ty Fintech, các bên thứ ba trong các ngành nghề khác nhau... thông qua việc kết nối, tích hợp liên thông dữ liệu để tiếp cận và cung ứng đa dạng dịch vụ cho khách hàng.

Đến nay, ứng dụng di động (Mobile app) của nhiều tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán đã cho phép khách hàng tiếp cận, sử dụng đầy đủ các tiện ích, dịch vụ ngân hàng, thanh toán như vấn tin, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn, gửi tiết kiệm, vay tín chấp, mở/ khóa/đóng thẻ/tài khoản, thiết lập hạn mức… cũng như các dịch vụ trên cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ dân sinh như thanh toán điện, nước, viễn thông, y tế, giáo dục, hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử, dịch vụ gọi xe, đặt nhà hàng, tour du lịch trên các nền tảng số mọi lúc, mọi nơi ngay trên điện thoại di động thông minh của cá nhân.

Một số Định Hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển ngân hàng mở

Trên cơ sở kinh nghiệm về phát triển hoạt động ngân hàng mở trên thế giới và thực trạng thực trạng xu hướng kết nối và phát triển hệ sinh thái ngân hàng số tại Việt Nam, để triển khai và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái số, hướng đến ngân hàng mở thành công, cần thực hiện một số công việc sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác, kết nối trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó sớm ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, Thông tư về Open API và nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn về an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng điện tử.

Thứ hai, tiếp tục nâng cấp hạ tầng công nghệ, phát triển API mở để gia tăng khả năng tích hợp kết nối liên thông với các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài ngành; đồng thời tăng cường công tác đảm bảo an ninh an toàn và bảo mật dữ liệu khách hàng theo đúng quy định.

Thứ ba, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính để hướng dẫn, nâng cao nhận thức, hiểu biết của khách hàng về ứng dụng công nghệ và những lưu ý, cảnh báo để hỗ trợ khách hàng nhận biết những phương thức, thủ đoạn lừa đảo, gian lận…

Thứ tư, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khách hàng ngân hàng và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tăng cường cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bên để kịp thời hỗ trợ, giải đáp những vướng mắc, sự cố phát sinh cho khách hàng trong quá trình sử dụng dịch vụ.

Phạm Anh Tuấn
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục