Chẳng phải ngẫu nhiên mà M&A lại trở thành điểm nhấn trọng tâm trong chương trình của Hội thảo. Cách đây vài năm, trong danh sách các dự án đầu tư của Indonesia tại Việt Nam, đã xuất hiện một dự án mới khi Tập đoàn Xi măng Indonesia thực hiện thành công thương vụ mua lại 70% cổ phần của Nhà máy xi măng Thăng Long tại Quảng Ninh. Mặc dù phải vượt qua không ít khó khăn, song như đánh giá của ông Dwi Soẹtipto, CEO Tập đoàn Xi măng Indonesia tại Hội thảo, thì đây là một dự án thành công. Thương vụ mua lại này đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư Indonesia đối với Việt Nam.
Ngoài lý do nói trên, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường M&A Việt Nam trong những năm qua, từ 1 tỷ USD năm 2008 lên 5 tỷ USD trong năm 2012 cùng với những thương vụ M&A có giá trị lớn diễn ra gần đây, đã thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Indonesia. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông đại chúng, sức nóng từ Diễn đàn M&A Việt Nam năm 2014 do Báo Đầu tư và Công ty AVM phối hợp tổ chức đầu tháng 8 vừa qua tại TP.HCM, đã lan tỏa khá rộng rãi trong giới đầu tư quốc tế.
Đặc biệt, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, nhất là tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước với chương trình cổ phần hóa 432 doanh nghiệp lớn trong hai năm 2014 - 2015 đang mở ra những cơ hội mới cho hoạt động đầu tư theo hình thức M&A. Mặt khác, để IPO thành công, chính bản thân các doanh nghiệp cổ phần hóa phải tìm kiếm các cổ đông chiến lược, nhất là các nhà đầu tư có năng lực tài chính, công nghệ, mạng lưới thị trường tiêu thụ và kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp. Sự tham gia của các đối tác chiến lược nước ngoài là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của quá trình IPO của các doanh nghiệp cổ phần hóa.
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng, đó là thị trường Chứng khoán Việt Nam dù trải qua không ít thăng trầm, nhất là phải chứng kiến sự sụt giảm nặng nề do tình hình căng thẳng trên Biển Đông sau việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng lãnh hải của Việt Nam, nhưng nhìn chung, đã có sự tăng trưởng mạnh so với nhiều nước trong khu vực. Năm 2013, chỉ số VN-Index tăng gần 22% và ở thời điểm hiện tại, đã đạt đỉnh cao nhất trong vòng 5 năm qua. Một số chuyên gia dự báo rằng, chỉ số VN-Index có thể đạt 650 điểm vào cuối năm nay. Điều đó đang thổi thêm luồng gió mới vào quá trình cổ phần hóa tiến tới niêm yết trên thị trường của các doanh nghiệp nhà nước và làm cho các cơ hội M&A từ cổ phần hóa trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Nhìn ở góc độ pháp lý, mặc dù hình thức đầu tư M&A đã được quy định trong Luật Đầu tư 2005, song trên thực tế, hoạt động đầu tư theo hình thức này được điều chỉnh không chỉ bởi Luật Đầu tư, mà cả các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Bộ luật Dân sự, Luật Chứng khoán và các luật chuyên ngành khác. Vì vậy, đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, việc hiểu rõ khung pháp lý về M&A là điều không dễ dàng. Những vướng mắc về thủ tục từng xảy ra khi Tập đoàn Xi măng
Indonesia mua lại Xi măng Thăng Long có thể xem là một minh chứng cụ thể mang tính điển hình cho điều đó.
Ngoài ra, việc Việt Nam đang tích cực đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và việc hình thành thị trường chung ASEAN vào năm 2015 đang tạo nên kỳ vọng mới cho các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam. Indonesia với gần 250 triệu dân có tổng GDP hơn 870 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người 3.580 USD là thành viên lớn của ASEAN cũng đang chuẩn bị để đón bắt cơ hội đó.
Sự có mặt của Lãnh đạo Ủy ban Điều phối đầu tư
Indonesia, Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia cùng gần 150 đại diện các doanh nghiệp Indonesia tại Hội thảo đã cho thấy sự quan tâm đó.
Thông điệp được đưa ra tại Hội thảo là cơ hội hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và
Indonesia còn rất lớn và cả hai bên cần tăng cường kết nối để khai thác thành công các cơ hội đó. Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia Nguyễn Xuân Thủy và ông Mahendra Siregar, Chủ tịch Ủy ban Điều phối đầu tư
Indonesia đều nhấn mạnh điều đó, đồng thời cho rằng: “Liên doanh không khác gì một cuộc hôn nhân. Để thành công, phải có sự chia sẻ, vun đắp của cả hai phía”.
Tại Hội thảo, cùng với việc giới thiệu khung khổ pháp lý, tình hình, kinh nghiệm và cơ hội đầu tư tại Việt Nam, nhất là cơ hội từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Barry David Weisblatt, Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán VP Bank (VPBS) đã trình bày sâu về triển vọng và cơ hội đầu tư cụ thể tại Việt Nam theo hình thức M&A, nhất là trong các lĩnh vực bán lẻ, ngân hàng, xây dựng và công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng.
Hội thảo xúc tiến đầu tư và các hoạt động của Đoàn Xúc tiến đầu tư tại Indonesia đã kết thúc vào cuối tuần qua, khơi nguồn cho các hoạt động đàm phán để đi đến những hợp đồng M&A cụ thể giữa các doanh nghiệp hai nước.
Trong vai trò của người “se duyên” cho các hợp đồng đó, lãnh đạo VPBS tiết lộ rằng, trong khuôn khổ chuyến đi này, VPBS đã được một số doanh nghiệp Indonesia lựa chọn để tư vấn cho các thương vụ M&A mà họ quan tâm. Về phía Indonesia, Phòng Thương mại và Công nghiệp sẽ tổ chức một đoàn doanh nghiệp nước này vào Việt Nam ngay trong tháng tới để tiếp tục khảo sát sâu và đàm phán về các cơ hội đầu tư cụ thể.
Không rầm rộ, nhưng Hội thảo Xúc tiến đầu tư tại
Indonesia được tiến hành một cách thiết thực, ghi dấu ấn về đổi mới hình thức xúc tiến đầu tư bằng việc nghiên cứu đặc điểm thị trường, nhu cầu của đối tác để đáp ứng đúng nhu cầu thông tin của từng đối tượng nhà đầu tư cụ thể. Chắc hẳn, đó cũng sẽ là điều cần thiết cho các hoạt động xúc tiến đầu tư ở nước ngoài trong thời gian tới.