Ý tưởng từ 12 năm trước
Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thương mại là hai hệ thống bảo hiểm chuyên biệt, cùng đạt được những kết quả nhất định trong trong việc chi trả cho người tham gia bảo hiểm. Thế nhưng, do thiếu sự chia sẻ dữ liệu quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm nên chưa phát huy được đầy đủ thế mạnh tổng thể của cả hệ thống trong việc chăm sóc sức khỏe người dân, thậm chí gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Các rủi ro được chi trả có thể kể đến đó là khách hàng không may bị tai nạn, ốm đau, bệnh tật, hoặc trả lương, trợ cấp cho người tham gia bảo hiểm khi hết tuổi lao động, hay mất khả năng lao động.
Theo ông Phùng Đắc Lộc, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, một trong những giá trị thặng dư quan trọng mà việc kết nối cơ sở dữ liệu của hai hệ thống bảo hiểm trên tạo ra đó là mang lại quyền lợi cho người đang điều trị ốm đau, bệnh tật, tai nạn cũng như cho người khám chữa bệnh, từ đó an tâm khi cơ sở khám chữa bệnh thông báo mọi chi phí sẽ được bảo hiểm y tế và bảo hiểm nhân thọ chi trả.
Các chuyên gia trong ngành cho biết, ý tưởng kết nối nêu trên đã được các nhà hoạch định chính sách nghĩ đến từ 12 năm trước.
“Hồi đó, chúng tôi nhận định, cùng với hệ thống bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm y tế, thì bảo hiểm thương mại cũng đã có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho các rủi ro xã hội, là các rủi ro gắn liền với các biến cố có thể làm giảm thu nhập, hoặc tăng các chi phí của cá nhân trong xã hội như ốm đau, tại nạn lao động, tuổi già, tử vong, thất nghiệp...
Cá nhân tôi từng chia sẻ, việc phát triển hai hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thương mại ở Việt Nam có vẻ như là hai vấn đề độc lập, chưa phải là hai công cụ trong một chiến lược thống nhất phát triển hệ thống đảm bảo bảo hiểm cho rủi ro xã hội nhằm tạo ra sức lao động bền vững cho một nền kinh tế xã hội bền vững”, chuyên gia bảo hiểm Nguyễn Tiến Hùng nói và cho rằng, nếu hai hệ thống kết nối thành công sẽ bổ sung cho nhau, khắc phục hạn chế của nhau, tạo ra sự đảm bảo đầy đủ và hiệu quả với chi phí thấp nhất dưới góc độ toàn xã hội.
Cùng với hệ thống bảo hiểm xã hội, trong đó có bảo hiểm y tế, thì bảo hiểm thương mại cũng đã có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho các rủi ro xã hội
Được biết, năm 2008, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội TP.HCM đã ủng hộ việc liên kết với bảo hiểm thương mại, đưa ra giải pháp và đề nghị rót kinh phí xây dựng phần mềm quản lý kết nối, chuyển ra Hà Nội trình cấp Trung ương, nhưng chờ mãi không thấy hồi âm.
Hiện tại, vấn đề kết nối được xới lên, các bên liên quan đang chuẩn bị các bước cần thiết cho việc kết nối, nhất là trong bối cảnh trục lợi bảo hiểm có diễn biến phức tạp.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, kết nối thông tin, chia sẻ thông tin, trong đó có thông tin về gian lận bảo hiểm sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm và Bảo hiểm xã hội có biện pháp phòng chống gian lận bảo hiểm hiệu quả, góp phần giảm mức đóng góp bảo hiểm, mở rộng quyền lợi bảo hiểm cho người dân.
Đồng thời, giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát về bảo hiểm, trong bối cảnh gian lận đang có diễn biến phức tạp, tinh vi ở cả hai khối bảo hiểm thương mại và bảo hiểm y tế.
Nhiều giá trị và vấn đề “môn đăng hộ đối”
Đứng trên quan điểm bảo vệ nguồn lực xã hội, theo chuyên gia bảo hiểm Trương Minh Cát Nguyên, sự kết hợp hai hệ thống bảo hiểm nêu trên sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn nhằm đáp ứng nhu cầu này.
“Hãy quan sát các nhà hoạch định chiến lược kinh tế của châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… nghĩ gì và làm gì đối với các chương trình bảo hiểm sức khỏe cho người dân của họ từ thập niên 50 đến nay, thông qua nhiều đạo luật về bảo hiểm chăm sóc sức khỏe.
Các đạo luật này nhằm mục đích nâng cao chất lượng và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế, giảm tỷ lệ người không có bảo hiểm bằng cách mở rộng phạm vi bảo hiểm: kết hợp giữa nhà nước và tư nhân, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe toàn dân của ngân sách quốc gia, của từng hộ gia đình.
Các đạo luật về bảo hiểm của họ quy định các cơ chế, bao gồm cả ủy nhiệm cho các công ty bảo hiểm tư nhân, cơ sở điều trị y tế tư nhân trong việc chi trả bảo hiểm, bảo lãnh thanh toán… Tất cả các giải pháp đó nhằm làm tăng quỹ bảo hiểm, tăng khả năng chi trả của toàn xã hội đối với từng hoàn cảnh sử dụng quỹ bảo hiểm cụ thể”, ông Nguyên nói.
Vị chuyên gia này cho biết, đạo luật về bảo hiểm chăm sóc sức khỏe của các nước nói trên bắt buộc các công ty bảo hiểm phải cung cấp bảo hiểm cho tất cả mọi người muốn tham gia, với tiêu chuẩn phạm vi bảo hiểm và mức phí tối thiểu, kể cả chấp nhận các bệnh có sẵn trước khi tham gia bảo hiểm.
Ngoài ra, chương trình phối hợp được triển khai nhằm giúp giảm chi phí điều trị và tăng các tiện ích hậu mãi nhờ các biện pháp cạnh tranh, do có nhiều công ty bảo hiểm và cơ sở y tế tư nhân tham gia nhận phí bảo hiểm từ chương trình.
Nếu để độc lập hai nguồn quỹ riêng biệt, dĩ nhiên không công ty bảo hiểm nào muốn trả bảo hiểm cho bệnh có sẵn do nguyên tắc số đông không đảm bảo.
Đứng trên góc độ kinh doanh, theo chuyên gia Nguyễn Quỳnh Mai, sự kết hợp này cũng tương tự sự kết hợp giữa bảo hiểm y tế và bảo hiểm tư nhân tại một số nước, chẳng hạn Nhật Bản đang áp dụng. Theo đó, mặt lợi đó là các công ty bảo hiểm tư nhân sẽ phục vụ khách hàng nhanh hơn và minh bạch hơn cho cả hai phía, khách hàng lẫn công ty.
Tuy nhiên, bà Mai cho rằng, thực chất bảo hiểm xã hội là trích tiền lương của nhân viên và tiền đóng của bên thuê nhân viên (hiện lần lượt là 2% và 17%) để giữ trong Quỹ Bảo hiểm xã hội, nên không thể gọi cái này là bảo hiểm.
Còn bảo hiểm y tế là đóng phí bảo hiểm cho Nhà nước để được bảo hiểm ốm đau; bảo hiểm tư nhân là đóng phí bảo hiểm cho các công ty bảo hiểm tư nhân để được bảo hiểm tử vong, nằm viện...
“Trong 3 loại hình trên, chỉ có bảo hiểm y tế với bảo hiểm tư nhân mới kết hợp đúng bài bản của hai loại bảo hiểm, còn kết hợp bảo hiểm xã hội với bảo hiểm tư nhân không môn đăng hộ đối”, bà Mai nói.
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia nhận định, sớm hay muộn thì việc kết nối cơ sở dữ liệu của bảo hiểm xã hội với bảo hiểm thương mại cũng sẽ trở thành hiện thực.
Bảo hiểm thương mại được hiểu là bảo hiểm mang tính chất kinh doanh theo Luật Kinh doanh bảo hiểm (bao gồm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ), còn bảo hiểm xã hội là bảo hiểm phi thương mại.
Trên thế giới, việc kết nối bảo hiểm phi thương mại và bảo hiểm thương mại đã được các nhà hoạch định chiến lược phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia nghĩ đến và áp dụng từ những năm sau Thế chiến 2. Khi đó, nhu cầu tái thiết đất nước sau chiến tranh buộc các nhà kinh tế vĩ mô tìm cách mở rộng phạm vi đảm bảo của quỹ bảo hiểm trong việc chăm sóc và bảo vệ nguồn nhân lực của xã hội. Các nước đi đầu trong việc này là châu Âu và Nhật Bản, nơi bị tàn phá nặng nề nhất trong Thế chiến 2.