Thực hiện chính sách xã hội: Chỉ đạo trọng tâm, triển khai trọng điểm

Đây là tinh thần được thống nhất trong cuộc họp sơ kết 5 năm (2012-2017) của Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết 70/NĐ-CP về một số chính sách xã hội tổ chức sáng 21/12.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần tạo cú hích về phát triển hạ tầng xã hội trong các khu công nghiệp. Ảnh: VGP/Đình Nam Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần tạo cú hích về phát triển hạ tầng xã hội trong các khu công nghiệp. Ảnh: VGP/Đình Nam

Bên cạnh các nhiệm vụ thực hiện thường xuyên, liên tục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị các thành viên thảo luận về một số vấn đề cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Nhiều chỉ tiêu về đích trước thời hạn

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 70/NĐ-CP đã có 19/22 đề án được hoàn thành, 2 đề án đang được tiếp tục triển khai, một đề án ngừng thực hiện.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan cho biết về cơ bản ngân sách Trung ương đã cân đối, bảo đảm kinh phí thực hiện các chính sách xã hội. Nhiều địa phương cũng bố trí ngân sách cho hoạt động này.

Vốn tín dụng ưu đãi là nguồn lực quan trọng hỗ trợ nhóm đối tượng yếu thế, thực hiện giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.

Cả nước có trên 8,8 triệu người có công, trong đó khoảng 1,643 triệu người hưởng trợ cấp hằng tháng; gần 117.000 hộ người có công được hỗ trợ nhà ở, vượt 43.700 hộ so với kế hoạch ban đầu.

Các chỉ tiêu về tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp thành thị đều thấp hơn mục tiêu Nghị quyết 70. Quỹ quốc gia giải quyết việc làm thực hiện cho vay bình quân từ 2.000-2.500 tỷ đồng/năm, tỷ lệ sử dụng vốn trên 98%, hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 400.000 lao động.

Số người tìm được việc làm qua hệ thống trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm, các phiên giao dịch đạt khoảng 900.000 người/năm.

Chính phủ đã tập trung nguồn lực, cộng đồng chung tay góp sức để thực hiện các chính sách giảm nghèo nhằm cải thiện điều kiện sống của người nghèo với tổng kinh phí giai đoạn 2011-2015 là trên 47.300 tỷ đồng; dự kiến giai đoạn 2016-2020 khoảng 46.100 tỷ đồng.

Tổng dư nợ tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách… là gần 170.000 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn dưới 7% vào cuối năm 2017, đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, cận nghèo được cải thiện.

Trong 5 năm, số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đã tăng khoảng 3,2 triệu lượt người, đạt 13,8 triệu người (chiếm 25,76% lực lượng lao động); số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp gần 11,8 triệu người; trợ giúp xã hội bằng tiền mặt hằng tháng cho 2,78 triệu đối tượng, chiếm gần 3% dân số.

Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh và tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn của Bộ Y tế tương ứng đạt 88,2% và 49,8%.

Ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết đến cuối năm 2017, đã có 79,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) đạt 85,59%, vượt mục tiêu Nghị quyết, chưa tính đến số người tham gia các hợp đồng BHYT tại các công ty bảo hiểm thương mại.

Phổ cập giáo dục đã hoàn thành trước thời hạn từ cấp mầm non đến trung học cơ sở. Hệ thống dạy nghề được đổi mới, gắn với nhu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

Giai đoạn 2012-2017, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã hỗ trợ trên 3 triệu lượt lao động nông thôn học nghề.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho hay chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 1 đã hỗ trợ 531.000 hộ, giai đoạn 2 dự kiến hỗ trợ 311.000 hộ.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng kiến nghị trong thời gian tới cần tập trung hỗ trợ nhà ở cho khu vực có nguy cơ cao về lũ quét ở vùng núi và sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội tại các đô thị, khu công nghiệp.

Thực hiện chính sách xã hội: Chỉ đạo trọng tâm, triển khai trọng điểm ảnh 1

 Ảnh: VGP/Đình Nam 

Cần nhiều nỗ lực hơn nữa

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao nỗ lực của các bộ ngành, địa phương trong chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết 70 với nhiều kết quả tích cực, đáng ghi nhận.

Ngân sách dù còn hạn chế song đã được sử dụng hiệu quả. Công tác huy động nguồn lực xã hội hoá không chỉ từ DN mà nhất là sự tham gia của người dân có nhiều kinh nghiệm, cách làm hay. Đặc biệt việc bảo đảm an sinh xã hội đã góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng cần làm rõ nguyên nhân và hướng khắc phục những bất cập, hạn chế đang tồn tại.

Cụ thể, vẫn còn tình trạng một số hồ sơ tồn đọng của người có công chưa được giải quyết triệt để. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp.

Các mục tiêu của Nghị quyết về BHXH có khả năng không hoàn thành. Hệ thống văn bản pháp luật trợ giúp xã hội chưa đồng bộ, gây vướng mắc trong tổ chức thực hiện.

Mặt bằng giáo dục của đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn còn khoảng cách đáng kể so với đồng bằng, đô thị.

Hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo triển khai chậm so với kế hoạch do bố trí nguồn vốn chưa kịp thời. Vẫn còn chênh lệch lớn về tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh, đặc biệt là vùng nghèo, vùng khó khăn chưa được tiếp cận với các điều kiện cấp nước và vệ sinh đạt tiêu chuẩn.

Chính sách bảo đảm thông tin cho người nghèo, vùng nghèo mới dừng ở các chương trình ngắn hạn, nguồn lực còn hạn chế và bố trí chậm.

Một số chính sách xã hội nặng về tính bao cấp nên chưa phát huy được tinh thần chủ động của đối tượng thụ hưởng nói riêng và người dân nói chung. Việc phân cấp, phân quyền cho địa phương còn chậm.

Nguồn lực thực hiện còn hạn hẹp, nguồn vốn một số chương trình không được bố trí đầy đủ, kịp thời theo kế hoạch. Cơ chế giám sát, đánh giá tại các địa phương còn lỏng lẻo, yếu kém.

Bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh một số công việc trọng tâm cần tập trung trong thời gian tới.

Trước hết, Bộ LĐTB&XH khẩn trương rà soát, hệ thống hoá lại các chính sách xã hội thành những chỉ tiêu cụ thể, từ đó khắc phục tình trạng nhiều chính sách xã hội chồng chéo, trùng lặp, làm nguồn lực thực hiện phân tán, kém hiệu quả.

BHXH Việt Nam tập trung đổi mới căn bản lĩnh vực BHXH theo đúng thông lệ quốc tế, từ thống kê đến cách tính, nắm được số liệu cụ thể về số người tham gia BHXH, BHYT tại các công ty bảo hiểm thương mại. “Chúng ta phải thực hiện cho bằng được thì mới có bức tranh đầy đủ về số người tham gia BHXH, BHYT tại Việt Nam, mới có chỉ đạo, điều hành sát thực tiễn”, Phó Thủ tướng lưu ý.

Phó Thủ tướng giao các Bộ: KH&CN, Thông tin và Truyền thông, LĐTB&XH phối hợp phát triển giải pháp công nghệ về thẻ an sinh xã hội sử dụng thống nhất trên cả nước. “Đây phải được coi là sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm quốc gia do DN Việt Nam làm chủ hoàn toàn về thiết kế, phần cứng, phần mềm…”.

Nhắc lại tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 về công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành y tế, BHXH quán triệt, đẩy mạnh củng cố y tế cơ sở, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám định kỳ cho người dân.

Trước hết là những đối tượng buộc phải khám sức khoẻ định kỳ đã được quy định ở trong luật như người cao tuổi, học sinh, sinh viên, người lao động có hợp đồng.

Đối với giáo dục, Phó Thủ tướng gợi ý cần tập trung vào giáo dục phổ thông vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa về cơ sở trường lớp, cơ chế bán trú.

Bên cạnh đó, hệ thống đào tạo, dạy nghề, nhất là dạy nghề cho lao động nông thôn cần phải được chấn chỉnh, siết lại để khắc phục tình trạng hình thức, lãng phí.

“Đặc biệt, cần phải làm một bước, tạo cú hích về hạ tầng ở các khu công nghiệp, không chỉ cải thiện đời sống vật chất, tinh thần mà còn tạo điều kiện để người lao động an cư, lạc nghiệp, gắn bó lâu dài với DN”, Phó Thủ tướng nói.


Theo VGP

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục