Kết cục buồn cho nỗ lực bất thành của Air Mekong

Bộ Giao thông vận tải đã ra quyết định hủy bỏ giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Công ty cổ phần hàng không Mê Kông – Air Mekong. Được biết trước đó, vào năm ngoái, hãng này đã có những cam kết và kế hoạch để được bay trở lại.
Sếu đầu đỏ Air Mekong "tuyệt chủng"

Cụ thể, trong Quyết định số 22/QĐ – BGTVT do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký ngày 6/1/2015, Bộ Giao thông vận tải hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không số 06/2008/GPKDVCHK ngày 30/10/2008 cấp cho Air Mekong.

Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về việc hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không đối với hãng.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Cục Hàng không Việt Nam vừa chính thức đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (KDVCHK) của Công ty cổ phần hàng không Mê kông (Air Mekong, với thương hiệu Sếu đầu đỏ) sau khi thời hạn chót để hãng hàng không tư nhân này có thể níu giữ được giấy phép hết hạn vào ngày 31/12/2014.

“Hiện tại Air Mekong không đủ các điều kiện duy trì giấy phép KDVCHK theo quy định của điều 17, Nghị định số 30/2013/NĐ – CP ngày 08/4/2013 của Chính phủ về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung (Nghị định 30)”, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.

Cụ thể, khoản d, Điều 17, Nghị định số 30 quy định, một hãng hàng không bị hủy bỏ Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy phép kinh doanh hàng không chung vì mục đích thương mại nếu ngừng khai thác vận chuyển hàng không, dịch vụ hàng không chung 12 tháng liên tục.

Được biết, Air Mekong được Bộ GTVT cấp giấy phép KDVCHK ngày 30/10/2008, tổ chức khai thác các chuyến bay thương mại từ tháng 10/2010 và tạm ngừng khai thác từ ngày 1/3/2013. Sau hơn một tháng ngừng bay với lý do là tái cơ cấu đội tàu bay, Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay -AOC của Air Mekong – một trong hai chứng chỉ quan trọng nhất để một hãng hàng không dân dụng có thể hoạt động hết hiệu lực. Đến thời điểm tháng 4/2014, Air Mekong không đủ các điều kiện để duy trì giấy phép KDVCHK theo quy định.

Đã từng hy vọng

Trong một động thái cách đây gần 1 năm, hồi tháng 3/2014, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản yêu cầu hãng hàng không Air Mekong báo cáo kế hoạch bay trở lại sau 1 năm tạm dừng hoạt động. Nếu đến hết tháng 3/2014 hãng không có báo cáo thì các quyền kinh doanh vận chuyển hàng không của hãng sẽ hết hạn, sau đó là giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không.

Thời điểm đó, trên website của Air Mekong vẫn thông báo tạm dừng khai thác để chuyển đổi tàu bay, và sẽ thông báo lịch bay trở lại trong thời gian tới.

Trước nguy cơ bị tước giấy phép, vào cuối tháng 3/2014, Air Mekong liên tiếp có 2 văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam báo cáo kế hoạch khai thác trở lại, tiến trình thực hiện xin cấp lại AOC, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp giúp đỡ Air Mekong để không bị hủy bỏ giấy phép KDVCHK trước tháng 1/2015.

Thời điểm đó, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) cũng xác nhận, Cục Hàng không đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét chưa hủy giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không của Air Mekong cho đến ngày 31/12/2014 nhằm tạo điều kiện cho hãng này tổ chức cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và đáp ứng các điều kiện pháp lý để có thể bay trở lại.

Sau đó, Bộ GTVT chấp thuận tại văn bản số 5016/BGTVT – VT ngày 6/5/2014 do Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu ký cho phép hãng này giữ giấy phép đến hết ngày 31/12/2014.

Nhiều thông tin đã cho rằng, Air Mekong sẽ quay trở lại thị trường với vai trò là hãng hàng không giá rẻ.

Được biết với quyết tâm được bay trở lại, Air Mekong đã rốt ráo tái cơ để có thể tiếp thị, bán vé trở lại vào quý III/2014, bay trở lại vào đầu năm 2015.

Rất tiếc rằng, những nỗ lực đó của “Sếu đầu đỏ” để có thể bay trở lại đã bất thành. Cuộc chơi trên bầu trời không thoáng đãng!
Air Mekong tạm dừng bay bắt đầu từ ngày 1/3/2013, sau hơn 2 năm hoạt động, với lý do được đưa ra là hãng cần thời gian để chuyển đổi sang loại máy bay mới.

Đây là hãng hàng không tư nhân thứ 3 của Việt Nam được cấp phép và chính thức bay từ cuối năm 2010, với đội máy bay gồm 4 chiếc Bombardier CRJ900 của Canada. Trước khi dừng bay, hãng khai thác 13 đường bay, chủ yếu là đến các vùng biển đảo.

Anh Minh
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục