Tại sao lại thiếu xăng dầu, sắp tới có thiếu nữa không? Đến hẹn lại lên, năm nào nông sản cũng ùn ứ ở biên giới phía Bắc, giải pháp căn cơ thế nào? Đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm trục lợi cá nhân, trách nhiệm thuộc về ai và giải pháp ngăn chặn ra sao?... Và còn vô số vấn đề nóng hổi khác đã được truyền đến phòng họp Diên Hồng “đòi” câu trả lời căn cơ từ các thành viên Chính phủ, trong phiên chất vấn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.
Như đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, các nội dung chất vấn có phạm vi rộng, ảnh hưởng và tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, nhất là khi quản lý nhà nước không chỉ tập trung ở 2 Bộ Công thương, Tài nguyên và Môi trường, mà còn liên quan đến các bộ, ngành khác.
Bởi thế, nếu chờ đến khi Quốc hội họp kỳ thứ ba (tháng 5/2022), những vấn đề trên mới được đem ra mổ xẻ, thì không chỉ sẽ “nguội”, mà quan trọng hơn là các giải pháp ứng phó có thể sẽ không đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn.
Chẳng hạn, với xăng dầu, “mạch máu” cho nền kinh tế lưu thông, dù Bộ trưởng Bộ Công thương đã chuẩn bị một bản báo cáo dài 21 trang, trong đó dành đến 9 trang để nói về sản xuất, cung ứng, nhập khẩu, công tác điều hành giá mặt hàng này thời gian qua, thì những tấm biển tranh luận vẫn liên tục được sử dụng để “truy” đến cùng vấn đề. Bởi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn - nguồn cung chiếm đến 35-40% đang là ẩn số.
Sốt ruột vì nếu không có xăng mà bàn, thì sản xuất, kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, đích thân Chủ tịch Quốc hội phải chất vấn là, khi kiểm tra, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có dự trữ lưu thông đúng quy định pháp luật không, nhất là họ vừa làm dự trữ lưu thông, vừa làm dự trữ quốc gia (được hưởng ngân sách từ việc bảo quản). Theo quy định, dự trữ lưu thông 20 ngày thì không thể nói 1-2 ngày thiếu hàng mà đứt nguồn được. Và câu trả lời không thể không khiến các vị đại diện nhân dân lo lắng: dự trữ quốc gia chỉ có đủ cho 5-7 ngày, còn việc doanh nghiệp đầu mối có thực hiện dự trữ đúng hay không lại là “ẩn số”.
Bên cạnh xăng dầu, đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường, đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm trục lợi cá nhân, việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai cũng đang rất nóng, rất thời sự. Trước phiên chất vấn, có đến 54 đoàn đại biểu Quốc hội gửi đề xuất chất vấn về Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều quan tâm đến vấn đề này. Và các nhà lập pháp, bên cạnh làm rõ trách nhiệm, còn cần phải xem chính sách, pháp luật có bất cập gì và cần tiếp tục hoàn thiện như thế nào.
Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Biến cố Nga - Ukraine đã và đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, đe dọa thiếu hụt, đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Bối cảnh đó khiến những vấn đề nóng của cuộc sống đã nóng càng thêm nóng. Và độ nóng sẽ tăng lên hay giảm đi khi đến nghị trường, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào ứng xử của các vị đại biểu Quốc hội.
Chỉ đồng cảm với khó khăn của cử tri là chưa đủ. Yêu cầu các bộ chức năng làm rõ trách nhiệm và giải pháp cũng là chưa đủ. Chỉ khi không ngại động chạm, “truy” đến tận cùng trách nhiệm, “soi” tận cùng mọi ngóc ngách để nhìn thấy cả lỗ hổng trong chính sách và hạn chế, yếu kém trong thực hiện, chỉ khi cộng đồng trách nhiệm, mới mong giảm nhiệt được những vấn đề nan giải bằng các giải pháp căn cơ, không ăn xổi ở thì.
Đương nhiên, cung ứng xăng dầu hay dặm đường gian nan của nông sản, những hệ lụy từ đấu giá đất đai... chỉ là một phần rất nhỏ trong nhiều vấn đề rất nóng của cuộc sống đang được cử tri và đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Và một ngày chất vấn cũng chưa đủ và chưa chắc đã làm giảm độ nóng của những vấn đề rất nóng ấy. Nhưng, khi những vấn đề của cuộc sống được đặt lên bàn nghị sự của Quốc hội với trách nhiệm cao nhất, con đường từ cuộc sống đến nghị trường đã gần hơn, đúng nghĩa.