Bổ sung dự toán ngân sách phải trình Quốc hội

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, bổ sung dự toán đối với các khoản chưa có trong dự toán là thẩm quyền của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, bổ sung dự toán đối với các khoản chưa có trong dự toán là thẩm quyền của Quốc hội, " không phải khoá này mà từ xửa từ xưa vẫn thế, phải làm theo luật".

Tiếp tục phiên họp thứ 9, sáng 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021.

Theo tờ trình của Chính phủ, khoản viện trợ 1.413,387 tỷ đồng là khoản phát sinh trong năm 2020 đã được các cơ quan trung ương thực nhận, nhưng chưa có dự toán được giao. Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán thu, chi ngân sách trung ương (NSTW) nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) và phân bổ chi tiết số tăng thu năm 2020 là 1.413,387 tỷ đồng.

Thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng viện trợ không hoàn lại là cần thiết và hợp lý; không thể chờ có dự toán mới tiếp nhận và thực hiện. Do vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị bổ sung vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện, hạch toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Tuy nhiên, về thẩm quyền, đa số ý kiến tại Thường trực cơ quan thẩm tra cho rằng, để bảo đảm đúng thẩm quyền quyết định, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán thu đối với khoản viện trợ nêu trên. Vì chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định bổ sung dự toán đối với các khoản chưa có trong dự toán.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cũng nêu một số vấn đề khác xung quanh khoản viện trợ này. Cụ thể, 1.431,387 tỷ đồng là khoản viện trợ phát sinh trong năm đã được các bộ, cơ quan trung ương thực nhận và sử dụng, chi tiêu trong năm.

Tuy nhiên, theo Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, một số khoản kinh phí viện trợ chưa có dự toán đã được các bộ, cơ quan trung ương tiếp nhận song chưa được rà soát, trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán chi kịp thời 1.626,3 tỷ đồng. Vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ số chênh lệch giữa Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.

Thường trực Ủy ban thẩm tra cũng nêu rõ, Chính phủ trình bổ sung dự toán năm 2020 và xác định đây là khoản viện trợ phát sinh trong năm, song báo cáo quyết toán niên độ NSNN năm 2019 đã xác nhận khoản thu, chi này. Như vậy, đây là khoản đã phát sinh từ năm 2019, không phải là khoản phát sinh trong năm 2020, nhưng đến năm 2022 mới báo cáo bổ sung dự toán và phân bổ khoản chi này là quá chậm (gần 4 năm).

Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương xác định rõ trách nhiệm trong việc không tuân thủ quy định của Luật NSNN. Đồng thời, báo cáo rõ về số liệu chênh lệch 195 tỷ đồng so với Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2019.

Có ý kiến cho rằng, vấn đề này đã tồn tại nhiều năm song chưa được khắc phục. Do vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất việc hoàn thiện quy định pháp luật đối với việc bổ sung dự toán, thực hiện và quyết toán nguồn vốn này, ông Cường phản ánh.

Một nội dung khác được Chính phủ trình là số vốn đã tiếp nhận, nhưng chưa đủ điều kiện hạch toán chi NSNN do chưa có dự toán là khoảng 10.558 tỷ đồng. Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán thu, chi NSTW nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) và phân bổ chi tiết số tăng thu năm 2021 là 4.217,777 tỷ đồng.

Tương tự, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021 theo quy định tại Điều 8 của Luật NSNN. Đa số ý kiến đề nghị trình Quốc hội xem xét, bổ sung dự toán thu chi nguồn vốn này trong năm 2021 bảo đảm tuân thủ đúng thẩm quyền theo quy định của Luật NSNN, ông Cường báo cáo.

Ngoài ra, Thường trực Ủy ban còn đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chưa phân bổ chi tiết số vốn 1.416 tỷ đồng đã được Quốc hội phê duyệt giao dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ của NSTW năm 2021.

Giải trình vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết việc Bộ Y tế chậm phân bổ Chính phủ đã chỉ đạo khắc phục, Bộ Tài chính cũng đề nghị sớm phân bổ nhưng năm 2021 Bộ Y tế mới nhận mà chưa phân bổ. Tới đây trách nhiệm của Bộ y tế là phải công khai những nơi nào nhận tiền mặt bao nhiêu, hiện vật bao nhiêu, ông Hà nói.

Báo cáo thêm về nguồn viện trợ vắc xin và trang thiết bị y tế phòng Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết cả tiền mặt và hiện vật là khoảng 20.000 USD, khoản này chưa được ghi thu ghi chi, Bộ Y tế đang quản lý, sẽ làm hồ sơ trình Quốc hội sau.

Về thẩm quyền với hai khoản vốn viện trợ không hoàn lại nêu trên, ông Phớc cho rằng "những khoản nho nhỏ thế này mà trình ra Quốc hội thì thấy thế nào ý".

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, bổ sung dự toán đối với các khoản chưa có trong dự toán là thẩm quyền của Quốc hội, "không phải khoá này mà từ xửa từ xưa vẫn thế, phải làm theo luật".

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đủ điều kiện để xem xét, phải báo cáo cho đầy đủ hơn.

Điều hành phiên thảo luận,Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh hồ sơ, cập nhật số liệu chính xác để trình Quốc hội.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục