Kéo doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam

25 năm bình thường hóa quan hệ, thương mại Việt - Mỹ đã chạm 60 tỷ USD (năm 2018), vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam cũng vượt mốc 9 tỷ USD.
Tính đến hết quý I/2019, tổng vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam đạt 9,15 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư lớn tại Việt Nam. Tính đến hết quý I/2019, tổng vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam đạt 9,15 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư lớn tại Việt Nam.

Cơ hội gia tăng dòng vốn

Thế giới đang có sự chuyển dịch về chuỗi cung ứng và Việt Nam đang xếp vị trí khá cao trong danh sách lựa chọn, đó là lý do để hy vọng về việc gia tăng dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào Việt Nam.

Đầu năm nay, những công ty hàng đầu nước Mỹ, gồm tập đoàn nổi tiếng thế giới như Google, Apple, Microsoft, nước giải khát Coca-Cola, dầu khí ExxonMobil, GE, Ford, ngân hàng và tín dụng MasterCard, Qualcomm, IBM, JP Morgan, Syngenta, dược phẩm như AstraZeneca… đã có mặt tại Việt Nam, tham gia các hoạt động do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tổ chức.

Cuối năm 2018, đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc tọa đàm với 40 tập đoàn lớn của Mỹ như IBM, AIG, AES, GE, AT&T, Walmart... nhân chuyến sang New York tham dự phiên thảo luận chung Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Tại đây, ông Bernerd De Santos, Phó chủ tịch, Giám đốc điều hành Tập đoàn AES - một trong 200 doanh nghiệp năng lượng có doanh thu lớn nhất toàn cầu, cho biết, AES đã đầu tư ở Việt Nam 10 năm trước trong lĩnh vực phát điện với tổng vốn đầu tư là 2 tỷ USD. Tập đoàn nhận thấy có nhiều cơ hội cho các công ty Mỹ đầu tư vào Việt Nam liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, khí và khí hóa lỏng.

Tính đến hết quý I/2019, tổng vốn đăng ký của Mỹ tại Việt Nam đạt 9,15 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư lớn tại Việt Nam. 

So với số vốn hàng tỷ USD mỗi năm được mang tới từ các nền kinh tế như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…đang hiện diện tại Việt Nam, thì vốn từ các doanh nghiệp Mỹ chưa nhiều, nhưng cũng vì vậy mà nhiều ngành sản xuất của Việt Nam hy vọng đón thêm dòng vốn từ các nhà đầu tư Mỹ.

Hy vọng đó đã ít nhiều được nhen nhóm, khi Đà Nẵng vừa công bố thông tin các doanh nghiệp Mỹ rót vốn vào Khu công nghệ cao của thành phố lên tới 330 triệu USD.

Trong đó, Tập đoàn Universal Alloy Corporation Asia Pte. LTD (UAC) đầu tư dự ánNhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Đà Nẵng Sunshine, với tổng mức đầu tư 170 triệu USD; Tập đoàn Key Tronic EMS đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, với mức đầu tư 70 triệu USD.

Hai dự án mới này đã nâng tổng số dự án FDI của Mỹ tại Đà Nẵng lên 56 dự án, với tổng vốn đầu tư  850 triệu USD.

Bạn hàng quan trọng

Ngoài việc kỳ vọng đón thêm vốn từ các doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam mở nhà máy sản xuất, hơn 2 thập kỷ qua, Mỹ cũng là bạn hàng quan trọng của Việt Nam.

Bộ Công thương cho biết, 25 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đã tăng gần 120 lần, từ mức 450 triệu USD năm 1995, lên hơn 60 tỷ USD vào năm 2018.

Việt Nam liên tục xuất siêu và Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu chủ lực của nhiều ngành hàng lớn như dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ…

Quý I/2019, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 13 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ, trong đó điện thoại và linh kiện tăng 76,9%; hàng dệt may tăng 12,3%; giày dép tăng 8,9%.

Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết, mới đây, Thương vụ đã làm việc với Tập đoàn Rhee Brothers - một trong những chuỗi phân phối thực phẩm châu Á lớn nhất tại Mỹ để mở rộng đơn hàng và phân phối thực phẩm Việt Nam tại Mỹ.

Những năm qua, hàng dệt may là nhóm mặt hàng có trị giá xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Mỹ, với trị giá trong năm 2018 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2017.

Trong khi xuất khẩu giày dép đạt 5,82 tỷ USD, tăng 13,9%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 5,41 tỷ USD, tăng 46,1%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 3,9 tỷ USD...

Đánh giá cao thị trường Việt Nam, Brooks Running, một công ty chuyên sản xuất giày và trang phục thể thao trực thuộc Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Mỹ Warren Buffett vừa tiết lộ sẽ chuyển phần lớn hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tổng giám đốc Jim Weber của Brooks cho biết, Công ty đi đến quyết định này vào tháng 1/2019, theo kế hoạch, Công ty sẽ rút hầu hết hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc và dự kiến cuối năm nay, phần lớn hoạt động sản xuất sẽ diễn ra ở Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp Việt Nam, để chắc chân tại thị trường Mỹ, nhiều doanh nghiệp Việt đã mở Văn phòng đại diện, nhà máy tại đây. Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) - doanh nghiệp thuộc Top 10 doanh nghiệp dệt may lớn của Việt Nam cho biết, trong cơ cấu xuất khẩu của TNG, thị trường Mỹ chiếm gần 40% tổng giá trị xuất khẩu, vì lẽ đó, mở văn phòng đại diện tại New York được xem là bước đi chắc chân của TNG, tiếp cận trực tiếp với các nhà mua hàng, giảm khâu trung gian.

“Việc mở văn phòng đại diện đã giúp Công ty gia tăng hiệu quả hoạt động. Kể từ khi thành lập, văn phòng này đang phát huy hiệu quả rất tốt với việc ký kết được những hợp đồng lớn từ các khách hàng nổi tiếng như Nike, A&F và đang xúc tiến với khách hàng GIII”, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG cho hay.

Công bố Sách trắng thương mại Mỹ - Việt

Cuối tuần này (ngày 10/5), Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham Hanoi) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Phòng Thương mại Mỹ sẽ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh bàn luận các giải pháp thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam nhân kỷ niệm 25 năm thương mại và đầu tư Mỹ - Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự kiến có bài phát biểu tại Hội nghị.

Hội nghị sẽ công bố Sách trắng chung đề xuất một khung cụ thể để tăng cường thương mại và đầu tư giữa Mỹ và Việt Nam.

Nguồn: Amcham Hanoi

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục