Kéo doanh nghiệp game Việt “hồi hương”

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng chiến lược phát triển ngành game, trong đó có kế hoạch đưa studio game đóng ở nước ngoài quay về Việt Nam.
Nhiều doanh nghiệp game Việt đang phải chọn phát triển ở nước ngoài vì thủ tục trong nước phức tạp Nhiều doanh nghiệp game Việt đang phải chọn phát triển ở nước ngoài vì thủ tục trong nước phức tạp

Chọn khai sinh ở nước ngoài

Việt Nam đang là điểm sáng trong ngành công nghiệp game của thế giới. Theo số liệu App Annie vừa công bố, Việt Nam xếp đầu bảng của khu vực Đông Nam Á, Australia và New Zealand (ANZSEA) khi có đến 5 cái tên góp mặt trong danh sách top 10 công ty phát hành game lớn nhất khu vực, gồm Amanotes, OneSoft, GameJam, VNG và Arrasol.

Trung bình 7 trên 10 nhà phát triển game đến từ Việt Nam nhắm đến thị trường quốc tế. Cứ 25 trò chơi được tải xuống trên toàn cầu sẽ có một trò chơi được sản xuất tại Việt Nam và doanh thu từ quảng cáo của các studio sản xuất và phát hành game của Việt Nam nằm trong top đầu thế giới.

“Việt Nam được xếp hạng 7 trong các quốc gia phát hành mobile game trên toàn cầu. Nếu phát huy hết tiềm năng, chúng ta có thể đưa thị phần xây dựng mobile game Việt Nam từ 1,2% hiện nay lên 3-4% thị phần toàn cầu. Điều này có nghĩa là ngành công nghiệp phát hành mobile game của Việt Nam có thể đạt quy mô 3,5 - 4,5 tỷ USD/năm”, ông Đỗ Cao Bảo, đồng sáng lập, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT cho biết.

Việt Nam cũng là quốc gia có số lượng nhà phát triển game trên kho ứng dụng của Apple rất hùng hậu, với 180.000 nhà phát triển, năng lực nằm ở top 3 Đông Nam Á.

Ông Nguyễn Quyết, CEO ZEGO Studio đánh giá, ngành game Việt Nam đang trong thời kỳ “cực thịnh”, rất nhiều công ty Việt Nam phát triển được các tựa game nằm trong top đầu thị trường. Số lượng studio game mọc lên nhiều hơn. Không chỉ công ty trong nước, các công ty nước ngoài cũng bắt đầu chú ý tới thị trường Việt Nam.

“Việt Nam đang trong top đầu thế giới về doanh thu quảng cáo trong game. Nhiều công ty toàn cầu đang học theo thị trường Việt Nam”, ông Quyết nói.

Thế nhưng, thị trường game của Việt Nam chưa thực sự phát triển bền vững. Các nhà phát triển game chủ yếu là gia công cho các ông lớn nước ngoài. Các studio chỉ mạnh về dòng game Casual và Hyper Casual (game có thiết kế đơn giản, dễ chơi, nội dung game thường ngắn như bắn máy bay, thủ thành, xếp hình, tiêu diệt Zombies…). Đặc biệt, trong hơn 60 studio game Việt Nam đang sản xuất và phát hành trên toàn cầu hiện nay, chỉ có vài studio là đặt ở Việt Nam, phần lớn đặt ở nước ngoài, nhiều nhất ở Singapore. Điều này không chỉ khiến Nhà nước mất đi một nguồn thu thuế lớn, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp này.

Kéo doanh nghiệp game “hồi hương”

Để đưa các dự án, studio game về Việt Nam, cần nhiều sự thay đổi từ chính sách và ngay cả bản thân các doanh nghiệp.

Theo ông Thái Thanh Liêm, CEO Topebox, Việt Nam nằm top đầu về sản xuất và phát hành game Casual và Hyper Casual, nếu công ty đặt ở trong nước sẽ phải xin giấy phép phát hành cho các game này. Thủ tục xin phép hiện nay quá nhiêu khê, phức tạp, thời gian kéo dài.

“Với những game đơn giản thuộc thể loại Casual và Hyper Casual, vòng đời thường ngắn, khoảng 3 tháng, chính vì thế, khi làm thủ tục xin phép, giấy phép chưa ra thì có khi game đã đóng cửa rồi. Đây là vấn đề khó khăn mà các studio gặp phải hiện nay, khiến họ chọn phương án ra nước ngoài và lập công ty phát hành toàn cầu”, ông Liêm cho biết.

Ông Nguyễn Tuấn Huy, Giám đốc Hiker Games góp ý, để các studio game Việt Nam trở về đặt trụ sở trong nước thì cần có những ưu đãi. Giấy phép vẫn là trở ngại lớn nhất đối với các doanh nghiệp đang sản xuất và phát hành game trong nước, gây rất nhiều phiền hà về thủ tục và thời gian xin cấp phép, nhất là ở khâu làm hồ sơ.

Thuế trong nước không phải là vấn đề lớn, nhưng việc thu thuế do doanh thu đến từ nước ngoài đang là cản trở lớn nhất với các doanh nghiệp sản xuất và phát hành game toàn cầu.

“Hiện doanh thu đến từ nước ngoài của các studio hiện nay bị đánh đồng với doanh thu đến từ Facebook và Google, nghĩa là phải thêm 5% thuế giá trị gia tăng, ngoài ra sẽ mất thêm 5% thuế nhà thầu nữa. Như vậy, nếu đặt trụ sở tại Việt Nam, các studio mất đến 10% thuế mà biên lợi nhuận ở thị trường quốc tế thường không cao. Điều này là không hợp lý, vì đã làm game phát hành toàn cầu gây tiếng vang và tạo vị thế cho Việt Nam, đáng lẽ cần được khuyến khích, thế nhưng đây lại bị đánh thêm thuế”, ông Huy bức xúc.

Tương tự, ông Đào Quang Tuấn, Giám đốc kinh doanh của Funtap cũng cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi hợp lý về thuế, truyền thông một cách rõ ràng về các chính sách cũng như ưu đãi thì các studio hàng đầu sẽ trở về thị trường trong nước.

“Sự trở về của các studio lớn sẽ giúp Việt Nam đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành game. Bên cạnh đó, vấn đề về vốn cũng sẽ được giải quyết, khi hiện nay, môi trường đầu tư ở trong nước đang thu hút được rất nhiều quỹ đầu tư lớn cả trong nước và quốc tế”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng chiến lược phát triển ngành game, với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.

“Khi xây dựng chiến lược, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã đề xuất những chính sách để bảo vệ, thúc đẩy lĩnh vực sản xuất game ở Việt Nam phát triển. Đưa các studio lớn đang đặt ở nước ngoài trở về kinh doanh trong nước và cổ vũ các studio tiến hành khởi nghiệp từ Việt Nam, thay vì đặt ở nước ngoài và né tránh nghĩa vụ thuế như hiện nay”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.

Theo dữ liệu của SensorTower, năm 2021, tổng lượt tải các game mobile tại thị trường Đông Nam Á là 8,41 tỷ lượt, tăng 6,3%. Việt Nam đứng vị trí thứ 2 với 1,7 tỷ lượt tải game mobile. Năm 2021, doanh thu thị trường game di động tại Đông Nam Á là 2,79 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tú Ân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục