Với đề xuất bãi bỏ 4 ngành ra khỏi Danh mục Ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, ban hành kèm theo Luật Đầu tư 2014, kế hoạch và đầu tư có thể sẽ là lĩnh vực đầu tiên “trắng” ngành, nghề có điều kiện.
Danh sách 4 ngành trên là kinh doanh dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu; ngành kinh doanh dịch vụ của đại lý đấu thầu; ngành kinh doanh dịch vụ tư vấn đánh giá dự án đầu tư và ngành kinh doanh dịch vụ đào tạo đánh giá dự án đầu tư.
Kinh doanh đóng mới, cải hoán tàu cá được bổ sung vào Danh mục Ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ảnh: H.T
Lý do bị loại của 4 ngành đó được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động giải trình là không phù hợp với mục đích quy định về ngành đầu tư, kinh doanh có điều kiện theo khoản 1, Điều 7, Luật Đầu tư, nghĩa là không đáp ứng các điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng.
Phải nói thêm, lý do này được lặp lại khá nhiều trong phần giải trình của 23 ngành nghề trong danh sách đề nghị bãi bỏ của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4, Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện đang được Quốc hội bàn thảo.
"Do các tác động hai chiều của điều kiện kinh doanh, nên chúng tôi luôn đặt câu hỏi với cơ quan đề xuất là có cách nào quản lý thay thế cách quản lý tiền kiểm, bằng điều kiện kinh doanh không. Nếu có, chúng tôi sẽ đề xuất bãi bỏ. Nếu không, yêu cầu đi cùng với đề xuất bổ sung ngành nghề kinh doanh đó là sự minh bạch và rõ ràng của điều kiện kinh doanh"
- Thứ trưởng Đặng Huy Đông.
Khá nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bị đẩy vào thế không thể không đi đầu, khi được giao chủ trì soạn thảo Dự luật có tác động rất rộng, tới không chỉ hoạt động của doanh nghiệp, mà còn cả hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước, thậm chí quyền lực của nhiều cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở vai Ban soạn thảo lại rất rõ ràng. Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã từng thẳng thắn khẳng định, các đề xuất bãi bỏ hay bổ sung vào Phụ lục 4, Luật Đầu tư về danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện đều được cân nhắc rất kỹ, cả cơ sở pháp lý và thực tiễn.
“Chúng tôi lắng nghe cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp chịu tác động, đánh giá tác động tới các đối tượng liên quan. Chúng tôi sẽ đề xuất loại bỏ nếu lợi ích của điều kiện kinh doanh không đủ lớn, khỏa lấp các tác động tiêu cực mà chúng đem lại cho nền kinh tế. Tương tự, nếu phần lợi ích lớn hơn, chúng tôi sẽ đề xuất bổ sung vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện”, Thứ trưởng Đông phân tích.
Về lý thuyết, các điều kiện kinh doanh khi được xây dựng sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước đạt các mục tiêu theo Điều 7, Luật Đầu tư, nhưng đồng thời cũng sẽ phát sinh một số hệ quả nhất định mà Ban soạn thảo phải cân nhắc. Có thể kể tới việc giảm tính cạnh tranh thị trường, tăng cơ hội độc quyền; tăng khả năng hình thành các các-ten; giảm tính năng động, sáng tạo, đổi mới của doanh nghiệp; gây áp lực tăng giá, giảm chất lượng, giảm dịch vụ đi kèm dành cho người tiêu dùng cũng như gây ra nguy cơ tiêu cực, nhũng nhiễu. Đó cũng là lý do mà cho tới thời điểm này, Ban soạn thảo vẫn nhận được nhiều câu hỏi đề nghị nói rõ về danh mục 15 ngành nghề đề nghị bổ sung vào Phụ lục 4, Luật Đầu tư.
“Do các tác động hai chiều của điều kiện kinh doanh, nên chúng tôi luôn đặt câu hỏi với cơ quan đề xuất là có cách nào quản lý thay thế cách quản lý tiền kiểm, bằng điều kiện kinh doanh không. Nếu có, chúng tôi sẽ đề xuất bãi bỏ. Nếu không, yêu cầu đi cùng với đề xuất bổ sung ngành nghề kinh doanh đó là sự minh bạch và rõ ràng của điều kiện kinh doanh”, ông Đông giải thích.
Ông Đông đã nói đúng điều mà các doanh nghiệp đang muốn nhìn thấy. Đó là họ không chỉ chờ đợi quyết định 27 ngành nghề sẽ được loại bỏ ra khỏi danh mục điều tư có điều kiện, mà cần hơn là thấy được các động thái tích cực tiếp theo trong việc xây dựng các điều kiện kinh doanh cụ thể cho các ngành được bổ sung vào danh mục từ các cơ quan quản lý nhà nước.
Phải nhắc lại câu nói của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) trong suốt quá trình thực hiện rà soát điều kiện kinh doanh rằng, doanh nghiệp không sợ điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp chỉ sợ điều kiện kinh doanh không minh bạch.