Kế hoạch thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Hội đồng Thẩm định Nhà nước sẽ họp phiên thứ nhất để thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam với tổ công tác liên ngành trong tháng 4/2020.
Có tới 18 nội dung sẽ được Hội đồng Thẩm định Nhà nước xem xét kỹ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trong đó đáng chú ý nhất là việc đánh giá sự cần thiết để thực hiện đầu tư; lợi thế và tác động của việc thực hiện Dự án theo hình thức PPP; đánh giá việc phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật chính. Có tới 18 nội dung sẽ được Hội đồng Thẩm định Nhà nước xem xét kỹ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trong đó đáng chú ý nhất là việc đánh giá sự cần thiết để thực hiện đầu tư; lợi thế và tác động của việc thực hiện Dự án theo hình thức PPP; đánh giá việc phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật chính.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định Nhà nước vừa ký Quyết định số 421/QĐ - NĐTĐNN phê duyệt kế hoạch thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre F/S) Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Theo đó, sau khi hoàn thành dự thảo Báo cáo thẩm định Pre F/S Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Hội đồng Thẩm định Nhà nước sẽ họp phiên thứ nhất cùng với Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành vào tháng 4/2020; nghe chủ đầu tư giải trình, bổ sung phương án đầu tư và hoàn thiện hồ sơ Dự án trong tháng 5/2020; hoàn thành thủ tục lựa chọn tư vấn thẩm tra vào tháng 5/2020; họp phiên thứ hai cùng với Tổ chuyên gia thẩm định liên ngành sau khi có Báo cáo thẩm tra cuối cùng; hoàn chỉnh Dự thảo Báo cáo thẩm định xin ý kiến các thành viên Hội đồng và trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2020.

Được biết có tới 18 nội dung thẩm định Pre F/S Dự án, trong đó đáng chú ý nhất là việc đánh giá sự cần thiết để thực hiện đầu tư; lợi thế và tác động của việc thực hiện Dự án theo hình thức PPP; đánh giá việc phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật chính và các điều kiện cung cấp vật tư, thiết bị, nguyên liệu, năng lượng, dịch vụ, hạ tầng; việc lựa chọn sơ bộ phương án đầu tư và quy mô các hạng mục đầu tư; đánh giá việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn; phương án tài chính dự án; đánh giá về tiến độ, thời gian thực hiện, việc phân chia giai đoạn đầu tư hoặc phân chia các dự án thành phần hoặc tiểu dự án; đánh giá về cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi, hỗ trợ/đảm bảo đầu tư; dự kiến sơ bộ rủi ro trong quá trình thực hiện.

Dự kiến chi phí thẩm tra Báo cáo Pre F/S Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam dự kiến là 41,2 tỷ đồng và chi phí thẩm định Báo cáo Pre F/S là 0,54 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 2/2019, Bộ GTVT đã hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Theo đó, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được nghiên cứu trong phạm vi 20 tỉnh/thành phố dọc từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh.

Dự án dự kiến phương án tổ chức chạy tàu với tốc độ chạy tàu lớn nhất là 320km/h. Trên tuyến sẽ tổ chức các đoàn tàu thuộc các khu đoạn: Ngọc Hồi - Vinh, Ngọc Hồi - Đà Nẵng, Ngọc Hồi - Nha Trang, Thủ Thiêm - Nha Trang, Thủ Thiêm - Đà Nẵng, Ngọc Hồi - Thủ Thiêm (tàu suốt Bắc - Nam). Dự kiến tổng mức đầu tư (TMĐT) Dự án là  1.334.233 tỷ đồng (58,71 tỷ USD).

Với tổng mức đầu tư rất lớn, để đảm bảo hiệu quả đầu tư và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực, giảm áp lực nợ công của nền kinh tế, nghiên cứu đề xuất 2 phương án phân kỳ đầu tư.

Theo đó, với phương án phân kỳ theo chiều ngang sẽ đầu tư hoàn chỉnh và khai thác đồng bộ đường sắt tốc độ cao trên từng đoạn. Theo đó: Giai đoạn 1 (dự kiến từ 2020 - 2032) nghiên cứu, đầu tư đoạn Hà Nội - Vinh và thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang. Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050) đầu tư đoạn Vinh - Nha Trang để nối thông toàn tuyến (mặc dù được phân thành 2 giai đoạn nhưng thực chất đây là một quá trình đầu tư liên tục).

Phương án phân theo chiều kỳ dọc sẽ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường sắt tốc độ cao và phân kỳ đối với việc đầu tư thiết bị, phương tiện vận tải và phương thức khai thác. Theo đó, giai đoạn 1 (dự kiến từ 2020 - 2032) đầu tư hạ tầng toàn bộ tuyến Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo tốc độ thiết kế 350km/h nhưng chưa điện khí hóa. Mua sắm đoàn tàu diezel để khai thác riêng tàu khách trên toàn tuyến với vận tốc khai thác tối đa 150Km/h. Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050) tiến hành điện khí hóa, nâng cấp hệ thống thông tin tín hiệu, mua sắm đoàn tàu tốc độ cao thay thế tầu diezel để khai thác trên toàn tuyến.

Trên cơ sở phân tích về nhu cầu vận tải, khả năng huy động các nguồn lực đầu tư, hiệu quả đầu tư Dự án cũng như sự phù hợp với quy hoạch liên quan, kết quả Bộ GTVT đề xuất phương án 1 với tiến độ dự kiến như sau: chuẩn bị đầu tư (Dự kiến từ 2020 – 2026; thực hiện đầu tư (Dự kiến từ 2027 – 2050) với 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 (từ 2027 và dự kiến hoàn thành vào 2030 - 2032) sẽ ổ chức đầu tư xây dựng 2 đoạn (Hà Nội - Vinh và Nha Trang - thành phố Hồ Chí Minh). Cùng với quá trình đầu tư xây dựng là công tác chuẩn bị nguồn nhân lực, xây dựng thể chế để khai thác vào năm 2032.

Giai đoạn 2 (dự kiến từ 2032 - 2050): Tiếp tục đầu tư xây dựng đoạn Vinh - Nha Trang. Trong đó ưu tiên đoạn Vinh - Đà Nẵng để có thể khai thác vào năm 2040 và tiếp tục hoàn thành đoạn Đà Nẵng - Nha Trang vào năm 2050.

Dự án được đề xuất thực hiện theo hình thức đối tác công tư (nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng - chiếm khoảng 80% TMĐT dự án; nhà đầu tư mua sắm đoàn tàu và một số thiết bị - chiếm khoảng 20%. Nhà đầu tư chịu trách nhiệm vận hành khai thác, duy tu bảo dưỡng và trả phí thuê hạ tầng).

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục