“Kẻ đến sau” 7-Eleven chưa mở ra Hà Nội, tập trung "đánh chiếm" thị trường TP. HCM

Mới đây, khi 7-Eleven khai trương cửa hàng đầu tiên, dân Sài Gòn lại xếp hàng nườm nượp như hồi Starbucks, McDonald’s mới vào Việt Nam, để rồi vài ngày sau đó quay lại với thói quen cũ và hoàn toàn quên mất sự tồn tại của “biểu tượng check in” trong tuần. Liệu đó có thể là tương lai của 7-Eleven khi thị trường bán lẻ Việt Nam đã khác xưa rất nhiều.
7-Eleven không mở rộng theo hình thức nhượng quyền thứ cấp mà sẽ tự mở, tự vận hành. Ảnh: A.P 7-Eleven không mở rộng theo hình thức nhượng quyền thứ cấp mà sẽ tự mở, tự vận hành. Ảnh: A.P

Thách thức của “kẻ đến sau”

Ông Mahesawan Thambunathan đã quyết định chia tay Tập đoàn Dairy Farm tại Singapore sau gần 30 năm gắn bó ở các vị trí quản lý điều hành khác nhau tại chuỗi bản lẻ 7-Eleven và chuỗi siêu thị Giant, để đến Việt Nam ngồi vào chiếc ghế nóng của Công ty cổ phần Bibo Mart.

Chỉ sau 2 tháng đến Việt Nam, ông đã chứng kiến sự xuất hiện của 7-Eleven, với việc khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM vào tuần qua.

Ông Mahesawan Thambunathan không bất ngờ với điều này mà cảm thấy rất hào hứng. Với dân số hơn 93 triệu người, trong đó tỷ lệ dân số trẻ cao, tỷ lệ đô thị hoá cao, cũng như sự tăng nhanh của dân số  khiến các nhà bán lẻ nhìn thấy nhiều cơ hội hơn là thách thức. Đó là lý do khiến các tập đoàn của nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, đã đầu tư rất mạnh vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam.

Theo ông Mahesawan Thambunathan, 7-Eleven có chiến lược phát triển các chuỗi cửa hàng tiện ích có thể tìm thấy ở mọi nơi, trên các đường phố đông đúc hay tận các góc phố, ngõ nhỏ trong các khu dân cư.

“Tại Việt Nam, 7-Eleven dự kiến mở khoảng 1.000 cửa hàng trên cả nước trong vòng 10 năm tới. Điều này cho thấy, họ muốn trở thành một địa điểm tiện lợi có mặt khắp mọi nơi”, ông Mahesawan Thambunathan nói.

7-Eleven chọn toà nhà lâu đời và là biểu tượng cho quá trình đô thị hóa của thành phố năng động nhất Việt Nam để chào sân. Thế nhưng, là người đến sau Vinmart+, Shop&Go, Ministop, Circle K, B's Mart, Bách hóa Xanh…, 7-Eleven không dễ tìm được nhiều điểm đáp ứng được các tiêu chí như vậy để thực hiện mục tiêu mở 100 cửa hàng trong 3 năm và 1.000 cửa hàng trong 10 năm tới.

“Kẻ đến sau” 7-Eleven chưa mở ra Hà Nội, tập trung "đánh chiếm" thị trường TP. HCM ảnh 1

 Cửa hàng nằm trong tòa nhà Saigon Trade Center nơi tập trung nhiều văn phòng ở quận 1.

“Một trong những khó khăn lớn nhất của bán lẻ tại Việt Nam là tìm địa điểm bán hàng. Là một nhân vật mới, chúng tôi cũng thấy rất khó để tìm được địa điểm ưng ý. Chúng tôi muốn tìm địa điểm đủ rộng, đủ đông dân, có nơi để đồ ăn và không gian cho thực khách để khách hàng được thoải mái nhất”, ông Vũ Thanh Tú, Giám đốc Công ty Seven System Vietnam (đối tác nhận nhượng quyền chuỗi 7-Eleven) nói.

Trước mắt, 7-Eleven chưa có kế hoạch mở ở Hà Nội, mà sẽ tập trung mọi nguồn lực để “đánh chiếm” thị trường TP.HCM. Ở TP.HCM, 7-Eleven tập trung ở các quận đông dân văn phòng như quận 1, quận 3, quận Bình Thạnh. Đặc biệt, 7-Eleven không mở rộng theo hình thức nhượng quyền thứ cấp mà sẽ tự mở, tự vận hành.

Đối trọng nội địa đáng gờm

Vào thị trường Việt Nam, đối thủ lớn nhất của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven chắc chắn sẽ là chuỗi Vinmart+ của Vingroup - đại gia về mảng cửa hàng tiện lợi hiện đại. 7-Eleven chọn đồ ăn nhanh để tạo ra sự khác biệt, nhưng vẫn còn băn khoăn “khác biệt cũng còn phải đáp ứng nhu cầu của người Việt tại thời điểm này”. “Trong khi đó, chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc hiểu được nhu cầu của họ”, ông Vũ thừa nhận.

Thực tế, Vinmart+ đã “đón đầu” nhu cầu cung cấp thực phẩm và đồ ăn nhanh từ trước đó.

Hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi của các thương hiệu được cho là đối thủ của 7-Eleven tại Việt Nam:
Co.opFood (Saigon Co.op): 100
Satrafood (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn Satra): 100
Shop&Go (Singapore): 145
Vinmart+ (Việt Nam): 1.000
Circle K (Mỹ): 200
B’s mart (Thái Lan): 153
Ministop (Aeon - Nhật Bản): 66
Family Mart (Nhật Bản): 66

Theo đó, hệ thống này đang được triển khai theo hướng vừa cung cấp thực phẩm sạch, rau củ quả VinEco, vừa cung cấp các món ăn sơ chế hoặc đã được chế biến sẵn có thực đơn đa dạng và nguyên liệu đầu vào sạch, an toàn, phục vụ giới công sở bận rộn. Vinmart+ còn có lợi thế am hiểu nhu cầu thị trường và đặc biệt là chuỗi bán lẻ duy nhất có hệ thống kiểm soát chất lượng thực phẩm đầu vào.

Đặc biệt, khi nhắc đến quy mô, Vinmart+ đang có lợi thế hơn hẳn. 7-Eleven luôn có thế mạnh quy mô ở mọi nước mà mình hiện diện, nhưng tại Việt Nam cũng khá dè dặt trong mục tiêu mở rộng, khi 10 năm tới mới đạt 1.000 cửa hàng. Trong khi đó, Vinmart+ sau hơn 2 năm bước chân vào địa hạt bán lẻ đã có khoảng 1.000 cửa hàng.

Riêng trong năm 2016, trung bình mỗi ngày có khoảng 2 cửa hàng Vinmart+ ra đời. Đây là con số chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam và hiện tại, Vinmart+ vẫn tiếp tục bung hàng với tốc độ chóng mặt. Ngay trong năm nay, Vinmart+ sẽ có thêm 1.000 cửa hàng. Với con số khổng lồ đó, Vinmart+ phải có mặt được tại ít nhất 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó tập trung số lượng lớn nhất vẫn là Hà Nội và TP.HCM.

Khi nhắc đến quy mô, Vinmart+ đang có lợi thế hơn hẳn. Riêng trong năm 2016, trung bình mỗi ngày có khoảng 2 cửa hàng Vinmart+ ra đời.

Nhìn vào hành trình đạt đỉnh cao chóng vánh của Vinmart+, giới phân tích cho rằng, xét về thói quen tiêu dùng hiện nay, việc mở rộng nhanh chóng như vậy đã đón đầu sự phát triển của thị trường, giành được những vị trí đẹp nhất, vốn là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc kinh doanh bán lẻ. Có thể nói, “ông lớn” này luôn được biết đến với những bước đi, góc nhìn và quyết định đặc biệt khác người.

Để làm được điều đó, Vingroup đang dần thay đổi chiến lược. Với lợi thế kiểm soát từ nông trại đến món ăn, mô hình cửa hàng tiện lợi Vinmart+ sẽ được thay thế bởi sự kết hợp giữa hai mô hình là minimart và cửa hàng tiện lợi, để có thể phục vụ sát hơn nhu cầu mua sắm của người dân.

Cụ thể, Vinmart+ sẽ vừa cung cấp thực phẩm sạch, rau củ quả VinEco vốn là lợi thế đặc biệt và những hàng hóa thiết yếu cho các bà nội trợ, giới công sở bận rộn, đồng thời cung cấp thực phẩm ăn nhanh và sơ chế khác cho tầng lớp khách hàng trẻ.

Hệ thống siêu thị Vinmart và cửa hàng tiện lợi Vinmart+ đã liên tục có nhiều chương trình kết nối với các doanh nghiệp sản xuất Việt, hỗ trợ và tham gia kiểm soát chất lượng sản phẩm từ đầu vào tới đầu ra, thậm chí hỗ trợ chiết khấu để giúp doanh nghiệp sản xuất hạ giá thành sản phẩm. Điều đó giúp hệ thống này xây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và đảm bảo, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm an toàn vốn đang là mối lo ngại nhất tại Việt Nam.

Theo giới phân tích, không phủ nhận 7-Eleven đã có một khởi đầu thuận lợi khi nghiên cứu thị trường rất kỹ trước khi đặt chân tới Việt Nam, những đồ ăn hợp khẩu vị với giá thành phù hợp, chiến lược truyền thông tốt cộng với tiềm lực tài chính hùng hậu đã được giới trẻ Việt Nam chào đón.

Tuy nhiên, Vinmart+ với cách làm bài bản, lợi thế đặc biệt về hệ thống lớn, có những sản phẩm chuyên biệt, độc quyền về thực phẩm và chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao, vẫn đang được người tiêu dùng trong nước lựa chọn. Và 7-Eleven  là “kẻ đến sau” sẽ phải tính toán thận trọng từng đường đi, nước bước.

Anh Hoa - Hồng Phúc
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục