KBSV: Vùng điểm hợp lý của VN-Index thời điểm cuối năm 2024 là 1.330 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong năm 2024, KBSV cho rằng mức định giá P/E thị trường sẽ cải thiện lên mức 15,3, cùng với việc được hỗ trợ bởi mức tăng 16,4% của EPS, vùng điểm hợp lý của VN-Index thời điểm cuối năm 2024 là 1.330 điểm.
KBSV: Vùng điểm hợp lý của VN-Index thời điểm cuối năm 2024 là 1.330 điểm

Đối với triển vọng trong năm 2024, KBSV cho rằng thị trường sẽ có xu hướng hồi phục rõ nét hơn với 4 yếu tố chính định hình.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế quay trở lại mốc quanh 6% nhờ thị trường bất động sản khởi sắc hơn; chính sách tiền tệ và tài khóa mang tính chất hỗ trợ giúp lãi suất duy trì ở mức thấp, đầu tư công được đẩy mạnh và các chính sách miễn giảm thuế tiếp tục được duy trì. Ngoài ra, các động lực tăng trưởng truyền thống khác như vốn đầu tư nước ngoài FDI, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu phục hồi...

Việc kinh tế tăng trưởng trở lại quanh mốc 6% sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp niêm yết mở rộng hoạt động kinh doanh và tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận.

Thứ hai, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp và đầu tư công được đẩy mạnh. Với dự báo các yếu tố khách quan về áp lực lạm phát và tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong năm 2024, trong khi nợ công vẫn đang ở mức thấp, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa mở rộng sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2024.

Yếu tố này không chỉ hỗ trợ thị trường từ góc độ tăng trưởng kinh tế mà còn tác động trực tiếp giúp dòng tiền vào thị trường chứng khoán được cải thiện, định giá cổ phiếu tăng, đặc biệt ở các nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp hưởng lợi từ yếu tố này.

Thứ ba, Fed xoay chiều chính sách trong bối cảnh lạm phát đang hạ nhiệt tích cực và có thể tránh được 1 cuộc suy thoái. KBSV kỳ vọng đợt hạ lãi suất sớm nhất sẽ diễn ra vào ngay cuối quý I/2024. Đây là yếu tố hỗ trợ tích cực cho TTCK toàn cầu cũng như TTCK Việt Nam. Mặc dù vậy, rủi ro kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái vẫn là yếu tố đáng chú ý và trong kịch bản trầm trọng có thể gây sức ép lớn lên TTCK toàn cầu.

Thứ tư, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại nhưng sẽ tránh được sự đổ vỡ của nền kinh tế cũng như thị trường bất động sản trong năm 2024. Tăng trưởng kinh tế sẽ chỉ suy giảm nhẹ và các khó khăn tập trung chủ yếu nửa đầu năm, trong khi nửa sau 2024 có thể ghi nhận 1 số tín hiệu hồi phục tích cực.

Tuy nhiên, các rủi ro lớn nhất có thể khiến nhóm phân tích đánh giá lại dự báo bao gồm các rủi ro địa chính trị khiến giá hàng hóa, giá dầu, giá cước vận tải... tăng phi mã gây áp lực lên lạm phát khiến các ngân hàng trung ương không thể nới lỏng chính sách tiền tệ. Hay một cuộc suy thoái trầm trọng có thể xảy ra ở 1 trong các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, ảnh hưởng xấu đến kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam.

Trong nước, rủi ro đến từ đổ vỡ ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi khối lượng đáo hạn cao kỷ lục trong năm 2024; việc xuất hiện các sự kiện ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng tương tự sự kiện SCB, hay triển vọng thị trường bất động sản tiêu cực hơn kỳ vọng cũng sẽ là rủi ro đối với thị trường.

Từ đó, nhóm phân tích cho rằng xu hướng hồi phục của TTCK Việt Nam sẽ rõ nét hơn trong năm 2024 với vùng giá mục tiêu ở quanh 1.330 điểm. Với việc mặt bằng lãi suất được dự báo ở mức thấp với lãi vay còn dư địa giảm thêm, cung tiền M2 được mở rộng với mức tăng 12,2% trong năm 2024, KBSV cho rằng mức định giá P/E thị trường (hiện đang 14,9) sẽ cải thiện lên mức 15,3 thời điểm cuối 2024, tương ứng bình quân 2 năm giai đoạn 2022 - 2023.

Thêm vào đó, thị trường còn được hỗ trợ bởi mức tăng 16,4% của lợi nhuận (EPS) các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE, bởi mức nền so sánh thấp của năm 2023 và kinh tế vĩ mô quay trở lại xu hướng hồi phục.

Dẫn dắt tăng trưởng EPS chung toàn thị trường năm 2024 sẽ gồm nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu (tăng 63%); nguyên vật liệu (tăng 35%); công nghệ thông tin (tăng 23%); tài chính (20%).

Ở chiều ngược lại, bất động sản, dịch vụ truyền thông, tiện ích và y tế là các ngành được dự báo có tăng trưởng ảm đạm trong năm 2024, tuy nhiên không đóng góp quá tiêu cực vào mức tăng trưởng chung. Trong đó, nhóm ngành Bất động sản dự kiến sẽ chưa thể quay lại mức hồi phục sớm khi doanh số bán hàng và các khó khăn liên quan đến dòng tiền, vay nợ dự kiến sẽ chưa thể cải thiện đáng kể trong năm tới.

Từ góc độ triển vọng ngành, trong 2024, bộ phận phân tích doanh nghiệp của KBSV đánh giá tích cực đối với triển vọng các ngành: chứng khoán, điện, công nghệ thông tin, bán lẻ, bất động sản khu công nghiệp, dầu khí và thép.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục