Tham gia thị trường phái sinh khi một số công ty chứng khoán lớn đi trước đã vận hành ổn định, KBSV có gặp nhiều áp lực?
Là đơn vị tham gia sau trên thị trường phái sinh, chúng tôi nhận thức được các khó khăn phải đối mặt trong quá trình tạo dựng hình ảnh, vận hành hệ thống, thiết kế sản phẩm và xây dựng tệp khách hàng trong bối cảnh các công ty chứng khoán khác đã hoạt động được một thời gian và đi vào ổn định.
Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, việc triển khai muộn cũng là một lợi thế. Thông qua việc nghiên cứu các mặt được và chưa được của các công ty chứng khoán đã sớm triển khai các sản phẩm phái sinh, chúng tôi có thể rút ra được một số kinh nghiệm và hướng đi để tạo nên sự khác biệt khi chính thức ra mắt các sản phẩm phái sinh trong thời gian tới.
KBSV có chiến lược gì trong việc giành thị phần môi giới chứng khoán phái sinh?
Về cơ bản, chiến lược của chúng tôi vẫn sẽ tập trung vào 3 hướng chính. Một là, phát triển mạnh hệ thống, hạ tầng công nghệ nhằm tạo sự thuận lợi và an toàn trong giao dịch, thanh toán cho nhà đầu tư.
Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia tư vấn đầu tư và môi giới, luôn bám sát thị trường và kịp thời đưa ra các khuyến nghị trong bối cảnh thị trường tài chính nhiều biến động như hiện nay. Ba là, cung cấp các gói sản phẩm phù hợp với thị hiếu, có mức phí ưu đãi và cạnh tranh so với các công ty chứng khoán trên thị trường.
Với việc là một công ty còn khá non trẻ, tương tự như đối với thị trường cơ sở, ưu tiên số 1 của KBSV là nhanh chóng gia tăng thị phần đối với thị trường phái sinh thông qua tối ưu hóa quyền lợi của khách hàng.
Dù hoạt động giao dịch phái sinh khá sôi động, nhưng vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước, mà thiếu vắng nhiều nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Ông có cho rằng, đây là dư địa lớn cho KBSV trong việc khai thác mảng khách hàng này?
Việc phần lớn giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh đến từ nhà đầu tư cá nhân có nguyên nhân là do sản phẩm phái sinh còn thiếu đa dạng, cũng như giá trị giao dịch chưa đủ lớn, khiến các quỹ đầu tư, đặc biệt là các quỹ nước ngoài chưa mặn mà tham gia. Như vậy, có thể nói, tình trạng trên xuất phát từ các nguyên nhân mang tính hệ thống và rất khó để bất cứ công ty chứng khoán nào có thể thay đổi trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, là công ty chứng khoán ngoại với những ưu thế nhất định trong việc tiếp cận các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, chúng tôi sẽ nỗ lực đẩy mạnh khai thác mảng khách hàng này, đặc biệt trong bối cảnh KBSV tin rằng tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam là rất lớn và tỷ trọng giao dịch của các tổ chức nước ngoài sẽ tăng dần theo thời gian.
Sau hơn 2 năm triển khai, thị trường chứng khoán phái sinh có sự tăng trưởng vượt bậc về giá trị, khối lượng giao dịch và số lượng các hợp đồng. Ông đánh giá thế nào về triển vọng của thị trường phái sinh trong thời gian tới?
Các dữ liệu thống kê trong quá khứ đã cho thấy sự tăng trưởng mạnh về giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam trong 2 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển vượt bậc của thị trường chứng khoán phái sinh các quốc gia trong khu vực. Ðiều này phần nào cho thấy tiềm năng phát triển của thị trường phái sinh ở Việt Nam trong tương lai là rất lớn.
Tuy nhiên, tốc độ phát triển sẽ phụ thuộc vào khả năng kết nối hệ thống, tính minh bạch đi kèm với niềm tin của giới đầu tư và việc triển khai đa dạng các sản phẩm mới nhằm đáp ứng được cả nhu cầu đầu tư tìm kiếm lợi nhuận và phòng ngừa rủi ro.
Theo thời gian, các yếu tố này có thể từng bước được cải thiện và sự phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam trong dài hạn là tất yếu.