Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): Tận tâm vì khách hàng

(ĐTCK) Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết, với nguồn vốn dồi dào, KBSV sẽ nỗ lực và tận tâm để mang lại lợi ích tối đa cho khách hàng.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV): Tận tâm vì khách hàng

Kế hoạch tăng vốn lên 1.680 tỷ đồng để vào Top 10 CTCK có vốn điều lệ lớn nhất thị trường đang được thực hiện thế nào, thưa ông?

KBSV vừa hoàn tất việc tăng vốn điều lệ đợt 1 lên 1.100 tỷ đồng và đang tiếp tục triển khai chào bán cổ phiếu để tiến hành tăng vốn đợt 2 lên 1.680 tỷ đồng ngay trong quý I/2019.

Bên cạnh việc phát triển sản phẩm phái sinh, nguồn vốn bổ sung trong đợt tăng vốn thứ 2 sẽ giúp KBSV có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, nâng cấp hệ thống giao dịch, tăng cường các hoạt động tạo thêm giá trị gia tăng cho nhà đầu tư như phân tích - tư vấn đầu tư, các gói sản phẩm có tính cạnh tranh - định hướng thỏa mãn nhu cầu của từng đối tượng khách hàng.

 Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán KB Việt Nam

Nếu năm 2018 là năm đầu tiên KBSV hoạt động với nhận diện mới, là quãng thời gian để ổn định các nền tảng cơ bản về vốn và nguồn nhân lực, thì năm 2019 sẽ là năm bản lề với các kế hoạch tham vọng về việc phát triển mạng lưới, đẩy mạnh đồng đều các mảng hoạt động, bao gồm tư vấn, môi giới và kinh doanh nguồn.

Các kế hoạch sẽ được tiến hành đồng bộ, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu của khách hàng làm trung tâm, nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách với các CTCK tốp đầu. Mục tiêu của KBSV là lọt vào Top 10 CTCK có thị phần lớn nhất trong năm 2019. 

Được biết, KBSV đang dần hoàn tất hồ sơ để tham gia nghiệp vụ phái sinh. Ông kỳ vọng như thế nào về thị trường này?

TTCK phái sinh Việt Nam dù mới hoạt động hơn một năm, nhưng đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc về thanh khoản. Tôi cho rằng, ngoài mục đích cơ bản là công cụ phòng ngừa, cân bằng rủi ro cho danh mục cổ phiếu cơ sở, phái sinh còn là một sân chơi có tính hấp dẫn đối với nhà đầu tư cá nhân nhờ các điểm ưu việt như mua bán trong ngày, đòn bẩy cao, không mất lãi suất và đặc biệt là giúp nhà đầu tư có cơ hội thu được lợi nhuận ngay cả khi thị trường đi xuống.

Lịch sử phát triển của TTCK phái sinh trên thế giới cho thấy thị trường này rất nhiều tiềm năng và Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu của quá trình này.

Thời gian qua, tuy doanh thu của các CTCK từ thị trường phái sinh còn tương đối nhỏ so với thị trường cơ sở, nhưng tôi tin là khoảng cách này sẽ dần thu hẹp và thực tế cho thấy, đây là một nguồn thu dự phòng trong những giai đoạn suy giảm của thị trường cơ sở.

Về phía mình, KBSV đã muốn triển khai sản phẩm phái sinh ngay từ những ngày đầu, nhưng do hạn chế về quy mô vốn nên chưa thể thực hiện. Tuy nhiên, sau khi tăng vốn, KBSV sẽ triển khai ngay trong giai đoạn nửa đầu năm tới. 

Với các mảng nghiệp vụ khác thì sao, thưa ông?

Bên cạnh mảng môi giới, KBSV sẽ đẩy mạnh hoạt động của các mảng IB (ngân hàng đầu tư), kinh doanh nguồn, nghiên cứu phân tích, công nghệ thông tin và xác định đây là các mũi nhọn giúp gia tăng doanh thu, thị phần.

Cụ thể, với mảng IB và kinh doanh nguồn, bên cạnh hỗ trợ về vốn từ Tập đoàn KB Hàn Quốc, KBSV còn nhận được sự hỗ trợ cả về nhân sự, kinh nghiệm, cũng như các mối quan hệ với đối tác…

Đối với mảng nghiên cứu, KBSV từng bước xây dựng đội ngũ chuyên viên nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm, được đào tạo bài bản để cho ra được các sản phẩm phân tích và tư vấn đầu tư chất lượng cao, mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng. Về hệ thống công nghệ thông tin, KBSV sẽ thực hiện nâng cấp và hoàn thiện hơn nữa hạ tầng giao dịch để đảm bảo mang đến cho nhà đầu tư sự yên tâm, thuận tiện nhất khi sử dụng dịch vụ tại KBSV. 

Ông nhìn nhận như thế nào về bức tranh chung của TTCK 2019?

Xét về các yếu tố tác động đến TTCK Việt Nam trong năm 2019, ảnh hưởng từ các yếu tố trong nước nhìn chung vẫn nghiêng về chiều hướng tích cực. Tăng trưởng GDP mặc dù có thể giảm nhẹ so với 2018, nhưng vẫn ở mức cao, lạm phát và tỷ giá dự báo vẫn trong tầm kiểm soát, chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành một cách linh hoạt...

Tuy vậy, tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trên sàn sang năm 2019 dự báo có thể chậm lại, ước đạt 12-14% (so với mức trên 20% của 2 năm qua), song đây vẫn là mức cao so với các thị trường trong khu vực và không phải là tín hiệu tiêu cực.

Quan sát diễn biến năm 2018 có thể thấy, TTCK Việt Nam đã chịu ảnh hưởng khá nhiều bởi biến động từ TTCK toàn cầu, nhất là thị trường Mỹ, với các yếu tố tác động chính như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, giá dầu, diễn biến và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ướng lớn, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Sang năm 2019, các yếu tố ngoại biên này được dự báo sẽ còn nhiều biến động khó lường và tiếp tục tác động mạnh đến TTCK Việt Nam.

Kết hợp tổng thể các yếu tố tác động tiềm tàng, tôi nghiêng về kịch bản thị trường sẽ còn điều chỉnh trong giai đoạn đầu năm 2019 trước khi tạo đáy và hồi phục trở lại về cuối năm. Cùng với đó, các nhịp biến động mạnh tăng/giảm đan xen có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn. 

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục