KBC: Đòn bẩy từ tái cấu trúc

(ĐTCK) Sau 3 năm tích cực tái cấu trúc, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) đã từng bước vượt qua khó khăn và ghi nhận những bước phát triển bền vững, khẳng định vị thế là một trong những doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp hàng đầu cả nước.

Hoạt động hiệu quả sau tái cấu trúc

Năm 2016, KBC đạt tổng doanh thu hợp nhất 1.972,5 tỷ đồng, tăng 37,4% so với năm 2015; lợi nhuận kế toán trước thuế 921,4 tỷ đồng. Kết quả tích cực này, theo KBC là nhờ sự đóng góp đáng kể của Khu công nghiệp Quang Châu. Đây là khu công nghiệp trọng điểm, cùng với Khu công nghiệp Tràng Duệ đã đóng góp tới 90% doanh thu từ cho thuê đất trong năm qua.

Từ năm 2013, KBC đã quyết liệt tái cấu trúc hoạt động, tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là phát triển các khu công nghiệp mà Công ty có nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, KBC cũng tích cực thực hiện cơ cấu tài chính nhằm tăng vốn chủ sở hữu, giảm nợ vay. Sau 3 năm nỗ lực, tình hình kinh doanh - tài chính của Công ty đã thay đổi một cách toàn diện.

Báo cáo tài chính quý I/2017 của KBC cho thấy, nợ phải trả của Công ty đến 31/3/2017 chỉ chiếm 39,35% nguồn vốn, giảm đáng kể so với mức 60,78% tại thời điểm 31/12/2013; trong đó, nợ vay chịu lãi chiếm 12,89% nguồn vốn. Chi phí lãi vay trong kỳ cũng giảm 18,5% so với cùng kỳ 2016, bằng 7% lợi nhuận gộp.

Để tránh phụ thuộc nợ vay, KBC đã triệt để thực hiện chính sách tập trung lợi nhuận giữ lại cho công tác đầu tư phát triển. So với thời điểm 2013, vốn chủ sở hữu của KBC hiện đã tăng gấp 2,12 lần, đóng góp chủ yếu vào sự gia tăng quy mô tổng tài sản.

Triển vọng tích cực 2017

Sau 15 năm hoạt động, đến nay, KBC đã tạo lập được quỹ đất 5.174 ha khu công nghiệp, chiếm khoảng 6% tổng diện tích khu công nghiệp của Việt Nam và 1.063 ha đất đô thị, đủ để khai thác và phát triển trong vòng 10 - 20 năm tới. Hiện KBC và công ty con sở hữu và đầu tư 14 dự án khu công nghiệp với diện tích trung bình mỗi khu trên 200 ha.

Trong xu hướng các nhà máy di dời ra khỏi Trung Quốc, Việt Nam đã cho thấy là một điểm đến tiềm năng, thu hút được nhiều công ty lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông… và KBC là doanh nghiệp có rất nhiều lợi thế để thu hút được các làn sóng đầu tư này.

Có thể thấy rõ điều này qua các con số thống kê: Năm 2016, vốn FDI vào Việt Nam đạt 24,372 tỷ USD, tăng 71% so với 2015, vốn giải ngân đạt 15,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, tỷ lệ thu hút vốn FDI của KBC chiếm 12,06% so với cả nước, tương đương 2,94 tỷ USD, tập trung tại Khu công nghiệp Quế Võ (91 triệu USD), Khu công nghiệp Quang Châu (350 triệu USD), Khu công nghiệp Tràng Duệ (2,5 tỷ USD). Ngoài Bắc Ninh, các địa bàn thu hút FDI nhiều nhất cả nước hiện nay như Hải Phòng, Bắc Giang, TP.HCM… đều có khu công nghiệp của KBC hiện hữu.

5 tháng đầu năm 2017, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 12,13 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2016. Bắc Ninh, địa phương trọng điểm của KBC, thu hút nhiều vốn nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là 2,76 tỷ USD, chiếm 22,7% tổng vốn đầu tư.

Với lợi thế sở hữu khu công nghiệp có diện tích lớn tại khu vực có vị trí chiến lược đắc địa, gần cụm cảng biển, sân bay, giao thông thuận lợi với hệ thống đường cao tốc ngày càng hoàn thiện, KBC đã thu hút được nhiều khách hàng là các tập đoàn lớn như LG, Luxshare – ICT, JA Solar, vệ tinh của Samsung… thuê đất triển khai dự án.

Mới đây, KBC đã đón Tập đoàn Hanwha Techwin đầu tư dự án trên diện tích 6 ha tại Khu công nghiệp Quế Võ với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 100 triệu USD. Đây là dự án đầu tư lớn thứ 2 được cấp phép tại Bắc Ninh tính từ đầu năm 2017. Khu công nghiệp Quang Châu (tỉnh Bắc Giang) cũng thu hút được 200 triệu USD từ Tập đoàn Lens Technology chuyên sản xuất màn hình tivi, điện thoại di động...

Ngoài ra, một số nhà đầu tư lớn như Hui Tian New Material Co., Ltd (vốn đầu tư dự kiến gần 100 triệu USD), Beijing Sailinke Hardware Co., Ltd (vốn đầu tư dự kiến 10 triệu USD) cũng đang trong quá trình đàm phán đi đến quyết định đầu tư tại khu công nghiệp này.

Những diễn biến thuận lợi từ môi trường kinh doanh và lợi thế riêng của doanh nghiệp (quỹ đất lớn, giàu kinh nghiệm, thương hiệu uy tín và nền tảng tài chính ngày càng vững chắc sau quá trình tái cấu trúc), KBC được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao trong 2017 và nhiều năm tới.

Năm nay, KBC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 2.800 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế hợp nhất 850 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 38,7% và 19,5% so với mức thực hiện 2016. Hết quý I, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 180,6 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ. Đây là kết quả tích cực, là cơ sở cho niềm tin vào việc Công ty sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm.                      

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục