KBC: Ảnh hưởng bởi Covid-19, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ giảm 96,1%

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm của KBC mang lại kết quả khá thất vọng cho nhà đầu tư.
Khu công nghiệp Khu công nghiệp

Bất động sản công nghiệp khởi sắc, kết quả của KBC sụt giảm mạnh

Báo cáo hợp nhất soát xét của Tổng công ty cổ phần Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC – HoSE) mới công bố cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt hơn 727,3 tỷ đồng, giảm gần 54,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản vẫn chiếm tỷ trọng chính (80%) nhưng chỉ đạt được tương đương 40% cùng kỳ năm trước.

Được biết, sự sụt giảm doanh thu đến từ việc giảm giá cho thuê bình quân. Giá thuê tại Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh thấp hơn giá cho thuê bình quân năm 2019 và năm 2020 không còn đóng góp từ các khu có giá thuê cao như Tràng Duệ hay Quế Võ.

Doanh thu sụt giảm kéo theo lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của KBC chỉ đạt hơn 357,2 tỷ đồng. Cộng với chi phí lãi vay cùng với chi phí quản lý doanh nghiệp gia tăng khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của KBC chỉ đạt gần 155,3 tỷ đồng, tương ứng giảm gần 76,3% so với cùng kỳ năm trước, kéo theo lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp hợp nhất chỉ đạt 105,1 tỷ đồng, giảm 79,5% và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng chỉ đạt vỏn vẹ hơn 15,05 tỷ đồng, giảm 96,1% so với cùng kỳ năm trước.

Còn theo báo cáo riêng, trong 6 tháng đầu năm 2020, KBC lỗ hơn 113 tỷ đồng, tăng gần 100 tỷ đông so với con số lỗ 13 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Lý giải cho nguyên nhân kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nay sụt giảm mạnh, KBC chỉ giải trình một cách ngắn gọn là "do tình hình đại dịch Covid-19 xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2020 dẫn tới tình hình kinh doanh bị suy giảm".

    Có thể thấy, mặc dù được dự đoán là lĩnh vực sẽ có nhiều lợi thế nhờ xu hướng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc về các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam, nhưng trên thực tế, kể từ tháng 2 năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng, tất cả các hoạt động di chuyển bị đình trệ, gây khó khăn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là công ty nước ngoài thực hiện khảo sát thị trường hoặc đến làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư phát triển khu công nghiệp. Do đó, đã phần nào ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của KBC.

    Chuyển nhượng lòng vòng ở các dự án

    Đáng chú ý, cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất soát xét, tính tới cuối tháng 6/2020, tài sản của KBC tăng thêm 1.741,28 tỷ đồng, đạt 15.663,45 tỷ đồng, chủ yếu liên quan đến việc mua lại dự án bông lúa 100 tầng trên đất vàng (Diamond Rice Flower ) từ Tân Hoàng Minh với mức giá gần 1.855 tỷ đồng.

    Đây là dự án KBC phải bán đi 2 năm trước để ghi nhận một khoản thu nhập bất thường nhằm thoát lỗ, nay KBC phải chi ra 1.855 tỷ đồng, tức chênh 355 tỷ đồng, để dự án hồi cố chủ.

    Theo kế hoạch, dự án gồm 1 tòa tháp cao 100 tầng, 1 tòa tháp cao 80 tầng và 1 tòa 15 tầng. Kiến trúc của tòa tháp đôi có phối cảnh là biểu tượng hình bông lúa. Tháng 5/2017, KBC quyết định tăng vốn điều lệ Công ty Hoa Sen từ mức hơn 145 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng.

    Dự án Lotus Hotel

    Dự án Lotus Hotel

    Vốn là dự án nằm trên “đất vàng” nhưng do vướng nhiều thủ tục pháp lý cũng như đúng thời điểm KBC của ông Đặng Thành Tâm gặp nhiều khó khăn, nên việc xây dựng tòa tháp đôi đành phải gác lại.

    Tại Đại hội cổ đông thường niên 2017, ông Đặng Thành Tâm cũng cho biết, sẽ không tự thực hiện đầu tư xây dựng mà sẽ hợp tác hoặc chuyển nhượng dự án.

    Chỉ sau khoảng 1 tháng rót thêm vốn, KBC đã thông qua việc chuyển nhượng hết 1.500 tỷ đồng vốn góp tại Hoa Sen cho CTCP Đầu tư Mặt trời mọc. Tổng giá trị chuyển nhượng được KBC cho biết là 1.854,87 tỷ đồng.

    Khoản doanh thu hoạt động tài chính bất thường từ thương vụ này đã giúp công ty của ông Đặng Thành Tâm thoát lỗ trong quý II/2017 với lợi nhuận sau thuế đạt hơn 232,5 tỷ đồng.

    Như vậy, so với mức giá bán, KBC phải trả thêm 355 tỷ đồng, bằng với khoản lợi nhuận bất thường đơn vị này nhận được nhằm “thoát lỗ” trong năm 2017 để sở hữu lại dự án.

    Giới phân tích cho rằng, động thái bán dự án bất động sản và sau 2 năm lại mua lại dự án bằng giá bán nếu hiểu đơn giản là mang bất động sản cầm cố vay tiền sau đó 2 năm thì trả cả gốc lẫn lãi.

    Ninh Việt

    Tin liên quan

    Tin cùng chuyên mục