Hiện KBC đang quản lý quỹ đất với quy mô 5.278 ha cho phát triển khu công nghiệp, chiếm gần 5,5% tổng số diện tích đất khu công nghiệp của cả nước và gần 938,6 ha cho phát triển khu đô thị, dân cư, trong đó, gần 2.500 ha thuộc sở hữu trực tiếp của KBC và các công ty con.
Ngoài lợi thế quy mô các khu công nghiệp lớn, hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, KBC còn được các nhà đầu tư đánh giá cao ở năng lực hỗ trợ khách hàng từ khâu khảo sát đầu tư tới cấp phép và trong suốt quá trình hoạt động. Bởi vậy, KBC có khả năng thu hút FDI vào các khu công nghiệp, cụ thể hơn 80% khách hàng trong khu công nghiệp là nhà đầu tư nước ngoài (chủ yếu là các tập đoàn Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc).
Việc Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và có những giải pháp khẩn trương, quyết liệt phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh đã tạo thêm niềm tin cho giới đầu tư quốc tế về môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam. Điều này cộng với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được phê chuẩn mới đây kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho nguồn vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam để hưởng các ưu đãi về thuế và tái cơ cấu chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn toàn cầu. Trong bối cảnh đó, bất động sản công nghiệp được nhìn nhận là điểm sáng tích cực trên thị trường và với những lợi thế riêng có, KBC đang đứng trước cơ hội kinh doanh mới.
Lãnh đạo KBC chia sẻ, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp đã tập trung để nhanh chóng hiện thực hóa các giao dịch đã được ký kết và tích cực đàm phán để đi đến ký kết với các nhà đầu tư đã và đang kết nối. KBC đã nhanh chóng bàn giao đất trên thực địa, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện dự án một cách suôn sẻ và thuận lợi nhất, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra bằng khoảng 70-80% kế hoạch năm trước.
Năm 2019, KBC bán được 107,3 ha đất ở các khu công nghiệp Quế Võ, Quang Châu, Tràng Duệ, Tân Phú Trung... đem lại doanh thu 2.888,4 tỷ đồng, chiếm 69,4 % tổng doanh thu. Hoạt động bán nhà xưởng đạt 100,2 tỷ đồng, chiếm 3% tổng doanh thu. Hoạt động đầu tư bất động sản đạt 540,2 tỷ đồng, chiếm 16,4 % tổng doanh thu... Cơ cấu doanh thu nói trên cho thấy KBC đã tập trung hoàn toàn vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi để tạo ra dòng tiền.
Năm qua, Tập đoàn đã chi trả nợ gốc là 1.721,6 tỷ đồng, chi trả cổ tức bằng tiền mặt 465,7 tỷ đồng. Tổng dư nợ gốc và nợ lãi của Tập đoàn hiện nay là 2.999,5 tỷ đồng, chỉ chiếm 30% vốn chủ sở hữu (10.000 tỷ đồng). Tỷ lệ vay trên tổng tài sản ngày càng thấp, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu liên tục tăng thể hiện khả năng tài chính ổn định và mạnh mẽ của KBC. Có thể thấy, năng lực tài chính hiện tại của KBC tốt hơn nhiều so với những thời kỳ khủng hoảng trước, giúp doanh nghiệp tự tin và chuẩn bị kỹ lưỡng sẵn sàng các kịch bản để chủ động phó với những biến động trên thị trường.
Với gần 20 khu công nghiệp trải dài từ Bắc tới Nam, hầu hết nằm ở những vị trí thuận lợi gần sân bay và bến cảng, là những “con gà đẻ trứng vàng” cho KBC trong thời gian tới. Dự phóng EPS 2020 ở mức từ 1.126-2.043 đồng/cổ phiếu, các công ty chứng khoán đánh giá vùng giá trị hợp lý của KBC từ 16.000-20.500 đồng/cổ phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, từ cuối tháng 3 đến nay, thị giá cổ phiếu KBC đồng thuận với đà hồi phục của thị trường khi tăng gần 60% so với mức đáy và chạm ngưỡng 16.000 đồng/cổ phần. Thanh khoản cổ phiếu cũng duy trì tốt và
ổn định.
Bên cạnh các dự án bất động sản khu công nghiệp, KBC cũng đầu tư phát triển và kinh doanh bất động sản khu đô thị, bất động sản nhà ở như dự án Khu đô thị Phúc Ninh có quy mô 136,47 ha tọa lạc tại trung tâm TP. Bắc Ninh, dự án Khu Ngoại giao Đoàn với diện tích 20.000 m2 nằm trên đường Phạm Văn Đồng - Hà Nội, cạnh công viên Hòa Bình; Khu đô thị Tràng Duệ (Hải Phòng)...