JPMorgan: Việc giảm mạnh giá chứng khoán vừa qua là "điềm báo" cho những gì sắp xảy ra

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo JPMorgan, đợt bán tháo đột ngột gây ra mức giảm mạnh nhất trong hai năm của thị trường chứng khoán vào những tuần trước có thể là điềm báo trước cho những gì sắp xảy ra.
JPMorgan: Việc giảm mạnh giá chứng khoán vừa qua là "điềm báo" cho những gì sắp xảy ra

Các nhà phân tích tại JPMorgan cho biết, nỗi lo lắng kết hợp về tăng trưởng kinh tế chậm lại và việc đóng các giao dịch chênh lệch lãi suất là quá lớn để thị trường có thể xử lý cùng một lúc.

Tuy nhiên, kể từ đó, thị trường chứng khoán đã phục hồi trở lại và đang chìm đắm trong ánh hào quang của những thông tin kinh tế tích cực trong tuần qua, khiến nhiều nhà đầu tư trên Phố Wall kết luận rằng sự kiện này là việc phản ứng thái quá đối với một sự cố tạm thời trong dữ liệu.

"Nhiều người tham gia thị trường đang bác bỏ sự bùng nổ gần đây của nhiều giao dịch tập trung là một sự may rủi hoặc sự sụp đổ đột ngột, nhưng chúng tôi xem đó là một cuộc diễn tập cho những gì sắp xảy ra", các nhà phân tích của JPMorgan cho biết.

Đợt bán tháo trong tháng này diễn ra khi tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ tăng vọt và thị trường chứng khoán Nhật Bản đã giảm 12,4%, mạnh nhất kể từ ngày "Thứ Hai đen tối" năm 1987. Việc tháo gỡ các giao dịch chênh lệch lãi suất đồng yên nổi lên như một thủ phạm lớn làm rung chuyển thị trường chứng khoán toàn cầu.

Các nhà đầu tư đã vay đồng yên với lãi suất thấp tại Nhật Bản trong hai năm qua, khiến họ loay hoay và vội vã bán để đáp ứng các yêu cầu margin sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) bất ngờ tăng lãi suất.

Mặc dù tác động là rất lớn, các nhà phân tích dự đoán rằng mối lo ngại về giao dịch chênh lệch lãi suất sẽ không phải là tác nhân gây ra biến động trong tương lai, vì nhiều nhà đầu tư sẽ không vội vàng quay lại chiến lược này sau cú sốc vào đầu tháng này.

Các nhà phân tích cho biết: "Các giao dịch chênh lệch lãi suất cuối cùng có thể lại trở thành vấn đề, nhưng với việc các nhà đầu tư bị thiệt hại, không phải ai cũng sẽ khôi phục lại các giao dịch này, vì vậy sẽ khó đạt được mức cao cũ hơn… Thay vào đó, chúng tôi thấy rủi ro tăng trưởng tái xuất hiện có khả năng là tác nhân gây ra".

Trong khi đó, các nhà phân tích và nhà đầu tư cũng đang lo lắng về sự việc tương tự xảy ra với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. "Sự tháo gỡ giao dịch chênh lệch lãi suất tiếp theo có thể là đồng nhân dân tệ", Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại ANZ cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục