Trong thông báo mới nhất vừa được đưa ra, JPMorgan cho biết sẽ loại trái phiếu Nga ra tất cả chỉ số của mình vào cuối tháng này sau một tuần đưa Nga vào danh sách theo dõi các chỉ số.
Hiện JPMorgan đang quản lý chỉ số trái phiếu thị trường mới nổi (EMBI), Chỉ số trái phiếu doanh nghiệp của các thị trường mới nổi (CEMBI). Trong đó, chỉ số EMBI tính giá trái phiếu phát hành từ hơn 25 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Nga, Nam Phi, Brazil và Ba Lan, còn CEMBI tính toán giá 80 trái phiếu từ hơn 50 công ty trong 15 tập đoàn ở 15 quốc gia.
JPMorgan cũng quản lý chỉ số trái phiếu chính phủ thị trường mới nổi (GBI- EM) và chỉ số JESG được điều chỉnh bởi các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Trái phiếu thị trường mới nổi là công cụ nợ thu nhập cố định được phát hành bởi các nền kinh tế đang phát triển cũng như các công ty trong những quốc gia này.
Theo thông tin của ngân hàng này, các chỉ số này đo lường/đánh giá lượng tài sản trị giá 842 tỷ USD, trong đó Nga chiếm 0,89% trong chỉ số EMBI toàn cầu của JP và 1,03% trong chỉ số JESG.
Động thái của JPMorgan được coi là động thái có ảnh hưởng lớn nhất đến nợ của Nga. Trước đó, vMSCI và FTSE Russell đang loại cổ phiếu Nga khỏi các chỉ số được theo dõi rộng rãi, trong khi Sở Giao dịch chứng khoán London (LSE) đã đình chỉ giao dịch hàng chục chứng chỉ lưu ký của Nga, cô lập cổ phiếu khỏi một bộ phận lớn của ngành quỹ đầu tư.
MSCI cho biết, phần lớn những người tham gia thị trường xem thị trường Nga là “không thể đầu tư” và chứng khoán Nga sẽ bị xóa khỏi chỉ số thị trường mới nổi MSCI Emerging Markets có hiệu lực từ ngày 9/3.
Tương tự, FTSE Russell sẽ xóa các cổ phiếu của Nga được niêm yết trên Sàn Giao dịch Moscow vào ngày 7/3. Trong khi đó, Giám đốc điều hành LSE, David Schwimmer cho biết, giao dịch của 28 chứng chỉ lưu ký (DR) của các công ty Nga đã bị đình chỉ trên LSE.
Theo các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence, các quỹ ETF toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất đến quyết định của MSCI và FTSE. Nhưng tác động sẽ ở mức “nhỏ” vì Nga chỉ chiếm chưa đến 5% trong rổ quỹ chỉ số toàn cầu.
Mối liên hệ của Nga với các thị trường toàn cầu đang bị cắt giảm do dự trữ ngoại hối của nước này bị đóng băng sau khi xảy ra xung đột vũ trang với Ukraine. Trái phiếu Nga đã bị hạ xếp hàng xuống “trái phiếu rác”.
Nền kinh tế Nga đã rơi vào khủng hoảng do các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây, bao gồm việc đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương ở nước ngoài và loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Bộ Tài chính Nga thừa nhận khả năng thanh toán gốc và lợi suất trái phiếu đầy đủ và đúng hạn bị ảnh hưởng do các biện pháp hạn chế mà cộng đồng quốc tế thực hiện đối với nước này. Điều này đưa đến khả năng Nga vỡ nợ về mặt kỹ thuật khi phần lớn lượng dự trữ ngoại hối trị giá khoảng 640 tỷ USD bị phương Tây đóng băng sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Đây có thể lần lần đầu tiên Nga vỡ nợ số nợ lớn trong hơn một thế kỷ. Năm 1998, Nga vỡ nợ 40 tỷ USD với trái phiếu phát hành trong nước và phá giá đồng ruble dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, do cuộc khủng hoảng nợ châu Á và giá dầu giảm gây cú sốc lòng tin đối với nợ ngắn hạn bằng đồng rúp.
Lần này, Nga có nguồn tài chính nhưng không thể thanh toán do nguồn dự trữ ngoại hối ở mức lớn thứ tư thế giới đã bị Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh và Canada đóng băng. Vào ngày 16/3, Nga sẽ đến hạn thanh toán 107 triệu USD trái phiếu, với 30 ngày ân hạn. Các đợt thanh toán tiếp theo với số trái phiếu trị giá 359 triệu USD là vào ngày 31/3 và sau đó là 2 tỷ USD vào ngày 4/4.
Phía Bộ Tài chính Nga cho biết, các chủ nợ của Nga và những người từ các quốc gia không tham gia trừng phạt nước này sẽ được thanh toán bằng đồng rúp theo tỷ giá hối đoái tại thời điểm thanh toán. Các chủ nợ cũng có thể được thanh toán bằng đơn vị tiền tệ mà khoản nợ được phát hành nếu họ được sự cho phép đặc biệt. Đối với các chủ nợ từ các quốc gia khác, các khoản thanh toán sẽ được gửi bằng đồng rúp vào một tài khoản đặc biệt sẽ được điều chỉnh bởi các quy tắc do ngân hàng trung ương đặt ra.