JCCI: Quy định giao dịch nội gián của chứng khoán Việt Nam còn trừu tượng, hầu như không phát hiện được

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Ý kiến trên được đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đề cập tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020 (VBF 2020) với chủ đề “Thách thức và cơ hội trong trạng thái bình thường mới” ngày 22/12.

JCCI: Quy định giao dịch nội gián của chứng khoán Việt Nam còn trừu tượng, hầu như không phát hiện được

Thực tế cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục đà tăng trưởng mạnh trong bối cảnh rất nhiều nền kinh tế trên thế giới đang rơi vào trạng thái trì trệ do ảnh hưởng tiêu cực từ Covid-19. Những nỗ lực của chính phủ Việt Nam phản ánh trong sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong ba quý đầu tiên của năm 2020.

Theo ông Tetsu Funayama, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Mitsubishi Corporation Việt Nam, đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), để đáp ứng tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc như hiện nay, Việt Nam cần phải "xây dựng một thị trường chứng khoán, cơ chế tài chính minh bạch và công bằng, được vận hành một cách hiệu quả và mở cửa hơn đối với các giao dịch với nước ngoài".

Giống như Nhật Bản, trong Luật Chứng khoán của Việt Nam cũng nghiêm cấm giao dịch nội gián khi mua bán cổ phiếu của công ty niêm yết. Tuy nhiên, các quy định của Luật Chứng khoán Việt Nam còn mang tính trừu tượng, chưa làm rõ trường hợp nào thì được coi là thông tin nội bộ.

Mặt khác, tại Việt Nam, đến thời điểm hiện tại, hầu như không có trường hợp giao dịch nội gián nào bị phát hiện và trong số các công ty niêm yết của Việt Nam, cũng có rất ít người biết về quy định liên quan đến giao dịch nội gián.

Do vậy, khi doanh nghiệp Nhật Bản xem xét việc tham gia góp vốn vào một công ty niêm yết tại Việt Nam, cũng có trường hợp việc xử lý các thông tin không công khai thu được thông qua thẩm định chi tiết doanh nghiệp… có thể trở thành một điểm nghẽn làm cho việc tham gia góp vốn trở nên không thực hiện được.

Ảnh: Dũng Minh.

Ảnh: Dũng Minh.

Liên quan tới vấn đề đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào công ty niêm yết, theo Nghị định chính phủ trong Luật Chứng khoán có quy định tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài tối đa là 49% đối với các ngành nghề đáp ứng các điều kiện thuộc “lĩnh vực đầu tư có điều kiện” của Luật Đầu tư.

“Về điểm này, với việc sửa đổi Nghị định chính phủ năm 2015, việc nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% vốn đã được chấp thuận ở một số ngành, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều ngành nghề bị giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn, điều này đã gây cản trở không nhỏ tới mong muốn đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam”, đại diện của JCCI.

Các quy tắc cụ thể liên quan đến việc tư nhân hóa công ty nhà nước đã được quy định trong Nghị định chính phủ, nhưng xét từ tiêu chuẩn M&A mang tính quốc tế vẫn còn nhiều chỗ cần xem xét về phương pháp định giá cổ phiếu và phương pháp chào bán cổ phiếu khi xác định giá bán.

JCCI kiến nghị mong chính phủ “làm rõ tiêu chí vận hành quy định giao dịch nội gián liên quan đến việc mua bán cổ phiếu của công ty niêm yết”. Cụ thể là làm rõ tiêu chí vận hành quy định giao dịch nội gián trong Thông tư hoặc các hình thức tài liệu chính thức khác

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng hy vọng rằng chính phủ sẽ nới lỏng giới hạn đối với "giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong công ty niêm yết". “Chúng tôi hy vọng rằng trong Nghị định mới của chính phủ hiện đang soạn thảo sẽ nới lỏng hơn nữa tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài”, đại diện của JCCI chia se.

Ngoài ra, JCCI cũng mong chính phủ Việt Nam xem xét lại "Phương pháp định giá cổ phiếu và phương pháp chào bán cổ phiếu của công ty nhà nước". Cụ thể là cải thiện tính minh bạch về thủ tục hành chính bao gồm việc quy định rõ trong các văn bản pháp luật các nguyên tắc, hình thức đấu thầu công khai, quy trình và yêu cầu trong việc Thẩm định chi tiết doanh nghiệp.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 222,494 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,766 tỷ
UPCOM 91.41 -0.07 -0.07% 591 tỷ