IR: Những mảng màu đối lập

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Những cách làm mới mẻ, sáng tạo trong công tác quan hệ nhà đầu tư (IR) giúp doanh nghiệp niêm yết gây dựng được hình ảnh tích cực. Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng quan tâm, đầu tư thích đáng cho hoạt động này.
Làm tốt công tác IR sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi trong việc triển khai các kế hoạch gọi vốn mới Làm tốt công tác IR sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi trong việc triển khai các kế hoạch gọi vốn mới

IR tiếp cận linh hoạt

Cuối tháng 9/2024, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) sẽ tổ chức buổi gặp mặt nhà đầu tư để cập nhật tình hình hoạt động trong 3 quý đầu năm cũng như chia sẻ về những cơ hội và triển vọng kinh doanh trong trong giai đoạn tới. Tại buổi gặp mặt, đại diện Ban lãnh đạo DIG sẽ giải đáp những câu hỏi của cổ đông, nhà đầu tư về tình hình hoạt động của doanh nghiệp cũng như những chính sách liên quan đến thị trường bất động sản sẽ tác động như thế nào đến hoạt động của doanh nghiệp… Đây là hoạt động thường kỳ được doanh nghiệp này tổ chức hàng quý.

Công ty cổ phần Bán lẻ kỹ thuật số (FPT Retail, mã FRT) cũng là doanh nghiệp rất quan tâm tới công tác IR, với việc triển khai hàng loạt hoạt động và chiến lược nhằm tăng cường sự gắn kết và tạo dựng lòng tin từ các nhà đầu tư.

Song song với đó, Công ty tiến hành tổ chức các cuộc gặp gỡ trực tiếp với nhà đầu tư và nhà phân tích định kỳ hàng tuần, hàng quý. Theo lãnh đạo FPT Retail, đây không chỉ là dịp để trao đổi và làm rõ các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, đảm bảo thông tin được truyền tải hiệu quả, mà còn là cơ hội để duy trì và cải thiện mối quan hệ với nhà đầu tư.

Trong bối cảnh các kênh đầu tư cũng như sản phẩm đầu tư ngày càng đa dạng, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn, IR đã trở thành yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Hoạt động IR hiệu quả sẽ góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường, mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ mới và tìm kiếm đối tác mới, hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh cốt lõi. Những yếu tố này sẽ góp phần cải thiện định giá cổ phiếu trong mắt nhà đầu tư, tạo cơ sở thuận lợi cho việc thu hút vốn.

Những năm qua, Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) đều đặn tổ chức hội nghị gặp gỡ các nhà phân tích (Analyst Meeting) từ một đến hai lần trong năm. Lãnh đạo Tập đoàn cho biết, “muốn tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc analyst meeting để nhà đầu tư cập nhật và hiểu sâu hơn về hoạt động của doanh nghiệp”. Bởi họ quan niệm rằng, nếu không chú trọng đến hoạt động IR, nhà đầu tư có thể không đánh giá hết được giá trị của doanh nghiệp.

Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin, IR không đơn thuần là những cuộc gặp gỡ, chia sẻ thông tin truyền thống, mà nhà đầu tư có thể tìm hiểu doanh nghiệp thông qua các công cụ điện tử như video, podcast, chatbot... Nhiều doanh nghiệp áp dụng số hóa báo cáo thường niên giúp tăng cường trải nghiệm của người dùng, từ đó dễ dàng nắm bắt thông tin hữu ích từ báo cáo, trong số này có thể đến những doanh nghiệp số hàng đầu như FPT hay các nhà băng lớn như Vietcombank, Techombank…

Ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư KimGroup nhận xét, doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đang ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của công tác IR đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Điều này có được là do bản thân doanh nghiệp ý thức được rất rõ lợi thế của công tác IR đến khả năng huy động vốn cho đầu tư sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp mình. Đặc biệt, ở các doanh nghiệp lớn trong nhóm VN30 thì công tác này rất được chú trọng. Kết quả kinh doanh hàng tháng được doanh nghiệp cung cấp đầy đủ và kịp thời, hàng quý đều tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư để tăng cường trao đổi thông tin giữa ban lãnh đạo và nhà đầu tư.

Vẫn chưa đồng đều

Tuy vậy, theo ông Trung, ở nhiều nhóm doanh nghiệp khác, công tác IR chưa có được sự đồng đều.

“Có những thời điểm, tôi có hứng thú tìm hiểu một vài doanh nghiệp khi nhận thấy tiềm năng qua báo cáo tài chính, nhưng khi vào website của doanh nghiệp thì thông tin rất cũ, mục quan hệ cổ đông chỉ có báo cáo tài chính và các thông tin mang tính bắt buộc phải công khai. Những điều này cần phải được thay đổi nếu như doanh nghiệp niêm yết muốn bứt phá đi lên tầm cao mới”, CEO Kim Group nói.

IR có thể coi là hoạt động cung cấp thêm thông tin đến cho nhà đầu tư, ngoài việc công bố các báo cáo theo quy định của cơ quan quản lý. Điều này giúp thông tin được cập nhật nhanh chóng, thường xuyên và đa dạng hơn đến nhà đầu tư. Hoạt động IR càng tốt, sự minh bạch của thị trường càng được cải thiện. Tất nhiên, IR không có nghĩa là chỉ đưa ra thông tin tốt, mà phải thông tin một cách chính xác, minh bạch.

Tham gia nhiều hội nghị analyst meeting, người viết cảm nhận hoạt động IR của các doanh nghiệp niêm yết ngày càng sôi nổi, không ít doanh nghiệp đã thành lập một bộ phận chuyên trách để thực hiện công tác này một cách chuyên nghiệp. Bên cạnh sự tự thân của doanh nghiệp, nhiều công ty chứng khoán cũng cung cấp thêm dịch vụ IR để cùng hỗ trợ doanh nghiệp mang hình ảnh, thông tin của mình đến nhà đầu tư một cách hiệu quả hơn. Thông thường, các doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính sẽ đầu tư một cách bài bản cho hoạt động này, như nhiều doanh nghiệp trong rổ VN30, nhóm doanh nghiệp bất động sản hay ngân hàng.

“Doanh nghiệp nên chú trọng tới việc triển khai công tác IR như một phần trong kế hoạch kinh doanh. Điều đó giúp nâng cao hình ảnh, giá trị doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư và nhà đầu tư cả cá nhân và tổ chức nắm giữ cổ phiếu trong dài hạn”, ông Trần Văn Tuấn, nhà đầu tư tại Hà Nội nêu quan điểm.

Theo quan sát của ông Tuấn, trên sàn chứng khoán vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm tới hoạt động IR khi chỉ tập trung vào kinh doanh và đáp ứng công bố thông tin theo luật định, khiến nhà đầu tư rất khó tiếp cận được thông tin minh bạch và đầy đủ từ doanh nghiệp niêm yết. Điều đó làm cho nhiều doanh nghiệp và tương ứng đó là cổ phiếu không được nhà đầu tư biết đến, nên thanh khoản hạn chế. Ngoài ra, nhà đầu tư không có đủ niềm tin nắm giữ cổ phiếu khi thị trường biến động mạnh.

“Nhiều doanh nghiệp chưa đặt mình vào vị trí của nhà đầu tư để hiểu nhu cầu của họ. Việc quyết định nắm giữ cổ phiếu lâu dài hay không cũng ít nhiều phụ thuộc vào tính minh bạch của doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Việc ngại tiếp xúc với cổ đông, nhà đầu tư có thể xuất phát từ tư duy chưa thực sự cởi mở của lãnh đạo doanh nghiệp. Thậm chí, có doanh nghiệp còn lấy lý do… phải tốn thêm kinh phí nên không mấy mặn với công tác này.

Nhiều doanh nghiệp chưa nhận ra được giá trị của quan hệ nhà đầu tư chính là giúp doanh nghiệp kết nối lâu dài với nhà đầu tư, tập trung duy trì và nâng cao các kênh đối thoại mở với các bên liên quan. Thị trường luôn mong muốn biết về kế hoạch lợi nhuận, nhân tố đẩy mạnh giá trị, tiếp cận các cấp lãnh đạo và có thông tin minh bạch, tin cậy về doanh nghiệp.

Cụ thể, kế hoạch lợi nhuận không nên có yếu tố bất ngờ, cần có sự hiện diện của tổng giám đốc và quản lý cao cấp trong các buổi tiếp xúc; chuyển tải hiệu quả, kịp thời các chiến lược mang lại giá trị cho cổ đông; việc cung cấp thông tin cần cần kịp thời, cập nhật chính xác và đầy đủ, đồng thời cũng phải đảm bảo tính thống nhất và liên tục của thông tin.

Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc phụ trách Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM từng chia sẻ, quan hệ nhà đầu tư là một chủ đề nhận được nhiều sự chú ý và quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nhà đầu tư tổ chức. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự chú trọng cần thiết cho hoạt động quan hệ nhà đầu tư và các nhà đầu tư khi muốn tìm hiểu về doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải đối mặt với một rào cản rất lớn là sự hạn chế về các thông tin nền tảng của doanh nghiệp.

Hoàng Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục