Kẻ hời hợt
“Khi tôi về đây, rất ngạc nhiên là nhiều quy trình, thủ tục cơ bản trong việc tiếp nhận, rà soát, cung cấp thông tin ra bên ngoài của công ty đều rất ‘ngẫu hứng’. Mọi việc không hẳn sai nhưng nó cứ thiêu thiếu, từ sự chỉn chu, chuyên nghiệp, tiến độ… cho đến thái độ với việc công bố thông tin”, quản lý bộ phận IR của một doanh nghiệp niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chia sẻ với người viết.
Doanh nghiệp này vốn thuần về sản xuất, đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán được vài năm, nhưng theo vị quản lý bộ phận IR trên, lâu nay, công bố thông tin chủ yếu là công việc kiêm nhiệm của cán bộ hành chính, chứ chưa có phòng ban phụ trách riêng.
“Cũng bởi chưa được đề cao nên công tác công bố thông tin chỉ dừng ở mức đáp ứng yêu cầu tối thiểu. Điều này chưa khiến cả người trong công ty lẫn các cổ đông, nhà đầu tư thỏa mãn. Bởi kể cả làm đúng nhưng thiếu đi cái tinh thần giao tiếp giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư thì hiệu quả của việc quan hệ nhà đầu tư, đơn giản nhất qua việc công bố thông tin, cũng khó ở mức cao”, vị này cho hay.
Tham gia nhiều đại hội cổ đông, điều mà người viết ghi nhận được đó là khát khao được đối thoại với lãnh đạo doanh nghiệp, được nghe chia sẻ thẳng thắn, cởi mở về tình hình kinh doanh, về các mục tiêu, kế hoạch của doanh nghiệp từ các cổ đông, nhà đầu tư.
Chị Thoa, một nhà đầu tư cho hay, không ít lần chị bán ra các cổ phiếu từng nắm giữ chỉ sau một lần tham dự đại hội cổ đông.
“Mình đến dự đại hội, là nhà đầu tư, nhưng luôn có cảm giác doanh nghiệp tổ chức cho có, cho đúng luật, chứ mọi thứ đều rất qua loa, hời hợt. Thậm chí, màn đối thoại chỉ có 3 - 4 câu hỏi theo dạng “phím” sẵn cho nhân viên công ty hỏi - lãnh đạo trả lời. Người hỏi chung chung, toàn nội dung đã được đề cập trong các báo cáo, người trả lời cũng qua quýt, cốt sao cho xong. Những nhà đầu tư có những câu hỏi gai góc, thẳng thắn một chút đều ‘quay vào ô mất lượt’. Thông thường, đây là những doanh nghiệp theo mô hình gia đình hay có cơ cấu cổ đông cô đặc, cổ phần phần lớn nằm trong tay một số người nên có thể họ chẳng coi cổ đông nhỏ lẻ vào đâu”, chị Thoa nói và cho biết thêm, với những doanh nghiệp như thế này, chị không ngần ngại loại bỏ khỏi danh mục đầu tư bởi người đứng đầu còn không nghiêm túc thì doanh nghiệp sẽ chẳng thể phát triển.
Người vồn vã
Mỗi mùa đại hội cổ đông qua đi luôn để lại dư âm hài lòng - thất vọng với người tham gia. Mùa đại hội năm nay cũng không ngoại lệ, có không ít cổ đông, nhà đầu tư phàn nàn, bày tỏ sự thất vọng về tình hình kinh doanh và cách giao tiếp của doanh nghiệp, thì cũng có nhiều người được thoả mãn tâm lý vì đã “chọn mặt gửi vàng” đúng chỗ.
Tại đại hội cổ đông của một doanh nghiệp thép, thay vì dành phần lớn thời gian đọc hết các báo cáo, tờ trình, người điều hành đại hội đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị doanh nghiệp đã khiến người tham gia ngạc nhiên khi thẳng thắn nói rằng: “Ngoài các phần thực hiện theo ‘nghi thức’ phải có, tôi đề nghị các cổ đông, nhà đầu tư và toàn thể đại hội tập trung vào việc trao đổi, chia sẻ, thậm chí hiến kế để đưa doanh nghiệp phát triển. Trước tiên, các thắc mắc chắc hẳn cũng cần được giải đáp cho cả hai phía, nhà đầu tư và doanh nghiệp. Tiếp theo, với các kế hoạch, mục tiêu của công ty, nếu cổ đông, nhà đầu tư nào có ý tưởng gì hay thì chúng tôi rất hoan nghênh và mong muốn được lắng nghe”.
Ngay sau đó, vị chủ tịch doanh nghiệp trực tiếp tiếp nhận, phân loại và giải đáp các thắc mắc của cổ đông. Thậm chí, vị này còn chủ động khơi gợi những vấn đề mà cổ đông, nhà đầu tư chưa đề cập tới.
“Ngắn gọn, vào việc nhanh và không trốn tránh” là nhận xét chung của các cổ đông sau cuộc họp đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp thép nọ và cơ bản, hầu hết đều tỏ ra hài lòng với một cuộc họp chất lượng, nơi mà đại diện doanh nghiệp không chỉ đến với tinh thần chủ động, cầu thị, mà còn rất khéo léo trong việc “mềm hóa” mối quan hệ hai bên, chủ động chia sẻ các kế hoạch, mục tiêu, từ đó “cung cấp” thông tin cho nhà đầu tư một cách rất tự nhiên.
IR và minh bạch thông tin
Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AzFin Việt Nam
Nhà đầu tư thường quan tâm đến các thông tin về kết quả kinh doanh được cập nhật kịp thời, bên cạnh chiến lược phát triển doanh nghiệp rõ ràng và phương án phân phối lợi nhuận nhất quán. Song, điều quan trọng nhất là họ cần doanh nghiệp đồng hành cùng mình trong quá trình đầu tư. Nói cách khác là bộ phận IR của doanh nghiệp phải gần gũi, thân thiện và sẵn sàng đồng hành, đặc biệt trong những lúc khó khăn.
Ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần AzFin Việt Nam cho biết, ngày càng có nhiều doanh nghiệp niêm yết đáp ứng vượt các yêu cầu về công bố thông tin được quy định trong Luật Chứng khoán. Những doanh nghiệp này tổ chức gặp mặt giải đáp thắc mắc nhà đầu tư một cách thường xuyên và định kỳ hàng quý, thay vì chỉ có cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên. Bên cạnh đó, đa phần các doanh nghiệp niêm yết cũng có một bộ phận riêng biệt thực hiện công tác IR, giúp nhà đầu tư và doanh nghiệp đến gần nhau hơn.
Tuy vậy, ông Phục cũng cho biết, vẫn còn không ít doanh nghiệp công bố thông tin không đầy đủ, thậm chí chây ì công bố thông tin, từ đó làm mất lòng tin và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các cổ đông, nhà đầu tư. Vì thế, các doanh nghiệp cần thiết thành lập một bộ phận IR chuyên biệt hoặc thuê các tổ chức IR chuyên nghiệp để nâng cao hiệu quả công bố thông tin cũng như tính minh bạch của doanh nghiệp.
Cùng góc nhìn, ông Đỗ Hồng Anh, chuyên gia tư vấn và quản lý tài sản, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho hay, các doanh nghiệp phải xác định rằng, IR không phải là PR (quảng cáo) cổ phiếu, cũng không phải để tô vẽ nên một bức tranh huy hoàng giả tạo, mà bản chất là cung cấp cho nhà đầu tư góc nhìn đầy đủ, chính xác nhất về thực trạng cũng như triển vọng của doanh nghiệp.
“Một điều cá nhân tôi nhận thấy là hầu hết các công ty đại chúng đã và đang nhận thức rất rõ ràng vai trò quan trọng của hoạt động IR, góp phần tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp cũng như giúp doanh nghiệp có thể cải thiện khả năng tiếp cận vốn, được định giá hợp lý hơn và nâng cao thanh khoản của cổ phiếu, nhất là trong môi trường kinh doanh đầy khó khăn như hiện nay”, ông Hồng Anh nói và nhấn mạnh rằng, khi doanh nghiệp thực sự minh bạch, những thông tin tiêu cực sẽ không thể tác động quá lớn đến doanh nghiệp. Thậm chí, đôi khi, chính những thông tin tiêu cực lại trở thành những thông tin tuyên truyền hiệu quả cho sự minh bạch của doanh nghiệp đó.