IPO và lên sàn: Gắn nhưng chưa... chặt

(ĐTCK) Nhiều cơ chế đã được ban hành và đôn đốc thực hiện trong năm qua nhưng kết quả cho thấy, nỗ lực gắn chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) khi cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) chưa mang lại kết quả như mong đợi.
IPO và lên sàn: Gắn nhưng chưa... chặt

Kết quả khiêm tốn

Để định hình cơ chế gắn IPO các DNNN với đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán, các cơ quan quản lý đã tốn nhiều giấy mực, khi năm nào cũng ban hành một văn bản pháp lý. Bắt đầu hình thành từ Quyết định 51/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của DNNN, cơ chế gắn IPO với lên sàn tiếp tục được quy định tại Nghị định 60/2015 sửa đổi Nghị định 58/2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Năm 2016, nội dung này được thể hiện chi tiết hơn tại Thông tư 115/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 196/2011 hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần. Mới đây nhất, vào cuối năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 126/2017 về chuyển DNNN và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần...

Kèm theo dày đặc các văn bản quy định là chỉ đạo thường xuyên của Chính phủ, Bộ Tài chính, cũng như các bộ, ngành liên quan, thế nhưng đến nay kết quả chưa như mong đợi. Theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), thực hiện Thông tư 115/2016, trong năm 2017 chỉ có 3 công ty là Công ty TNHH MTV Nước giải khát Sanest Khánh Hòa (mã chứng khoán SKH), Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ (TLP) và Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDC) đã tiến hành đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM ngay sau khi hoàn tất cổ phần hóa.

“Công tác đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán của các DNNN sau cổ phần hóa chưa thực hiện nghiêm túc. Có tới 747 doanh nghiệp chưa đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK”, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính nhìn nhận.

Thực tế cho thấy, ngoài lý do quy định gắn IPO với lên sàn vẫn còn mới với không ít doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ở địa phương, vùng sâu, vùng xa, có một nguyên nhân nữa là đến nay chế tài xử phạt các doanh nghiệp chậm lên sàn vẫn chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) áp dụng, nên chưa tạo ra tính răn đe.

Tuy Nghị định 145/2016 (có hiệu lực từ ngày 15/12/2016) sửa đổi Nghị định 108/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, với mức phạt cao lên đến 300 - 400 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định về thời hạn đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK, nhưng suốt một năm qua, đến nay chưa một doanh nghiệp nào bị xử phạt và công khai cho thị trường biết vì lỗi chậm đưa cổ phiếu lên sàn.

Từ 2018, khi IPO, doanh nghiệp phải làm hồ sơ đăng ký lên sàn

Nếu vẫn tiếp diễn tình trạng IPO không gắn kết với lên sàn như hiện tại, rất có thể nhiều đợt IPO lớn đang rục rịch triển khai như: Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền Nam, Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 3 (trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam)… lại tiếp tục rơi vào tình trạng doanh nghiệp IPO xong mà không lên sàn, gây mất niềm tin trong giới đầu tư.

Để chấn chỉnh tình trạng IPO chưa gắn kết với lên sàn, chỉ đạo mới nhất của Chính phủ tại Nghị quyết 01/2018 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 yêu cầu: các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với niêm yết trên TTCK theo các nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch...

Ở vai trò “tư lệnh” lĩnh vực cổ phần hóa, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, năm 2018 Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nghiêm túc chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước đôn đốc các doanh nghiệp đã cổ phần hóa thực hiện đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Tiến, lần đầu tiên một văn bản ở cấp nghị định về cổ phần hóa định rõ nghĩa vụ IPO gắn với lên sàn đối với các DNNN cổ phần hóa, Nghị định 126/2017 vừa có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 quy định, khi lập hồ sơ IPO, doanh nghiệp phải đồng thời lập hồ sơ đăng ký lưu ký và hồ sơ đăng ký giao dịch hoặc niêm yết trên TTCK (nếu đủ điều kiện). Trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày kết thúc IPO, doanh nghiệp phải hoàn tất thủ tục đăng ký lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký và đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Những doanh nghiệp cổ phần hóa theo hình thức vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ dưới hình thức đấu giá công khai để chào bán cổ phiếu ra công chúng, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện niêm yết, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký niêm yết ngay sau khi kết thúc đợt chào bán và thông báo kết quả chào bán cho UBCK.

“Quy định pháp lý đã rõ ràng như vậy, nếu doanh nghiệp không tuân thủ sẽ bị xử phạt theo chế tài tại Nghị định 145/2016", ông Tiến nói.

Hữu Hòe

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục