Và quyết định giữ vị trí là công ty tư nhân của Facebook trong 8 năm trước khi thực hiện IPO là một minh chứng thú vị.
Bill Gurley, chuyên gia tại Công ty tài chính Benchmark Capital tin rằng, các câu chuyện thành công trong việc không vội vã IPO như Facebook hay nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ là động lực để nhiều giám đốc điều hành (CEO) nói không với kế hoạch IPO.
Dưới góc nhìn của các nhà đầu tư, nỗi lo sợ bỏ lỡ một điều gì đó lớn lao, đặc biệt trong bối cảnh môi trường lãi suất vẫn ở mức thấp đã khiến họ đổ tiền vào các công ty tư nhân, ngay cả khi họ biết rằng sẽ cần một chặng đường dài để gặt hái được thành quả. Chính điều này đã góp phần tạo ra một giai đoạn mà giới phân tích gọi là kỷ nguyên của “kỳ lân” (unicorn), tức các công ty khởi nghiệp tư nhân có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên.
Microsoft từng được định giá 778 triệu USD và Cisco có giá trị 224 triệu USD khi hai công ty này thực hiện IPO vào năm 1986 và 1990. Trong khi đó, Google sẵn sàng chờ đợi cho tới khi được định giá 27,2 tỷ USD mới tiến hành IPO vào năm 2004. Còn đối với Facebook, Công ty sở hữu trang mạng xã hội nổi tiếng có giá trị thị trường lên tới trên 100 tỷ USD trong lần “ra mắt” thị trường chứng khoán lần đầu tiên năm 2012.
Tháng 1/2015, thống kê của Tạp chí Fortune cho thấy có 80 doanh nghiệp “kỳ lân”. Tới tháng 1/2016, con số này là 229 theo số liệu của VentureBeat. Vậy điều gì xảy ra với các công ty tư nhân được đầu tư tốt, song quyết định giữ nguyên trạng thái tư nhân thay vì tiến hành IPO? Câu trả lời là chẳng có gì xấu xảy ra với họ, nếu các doanh nghiệp này vẫn chứng minh được những giá trị cao cấp của mình.
Trên thực tế, IPO có đạt được mục tiêu hay không còn phụ thuộc vào sự quan tâm của người mua, nếu không có người mua, đó là kế hoạch IPO thất bại. Bản thân những người sáng lập công ty luôn muốn doanh nghiệp của mình thu hút được càng nhiều tiền càng tốt, trong khi những nhà bỏ vốn đầu tư lại hạnh phúc khi chứng kiến giá trị của công ty mình sở hữu cổ phần tăng trưởng nhanh chóng. Đây chính là điểm mấu chốt của vấn đề.
Tại Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp do Ngân hàng Credit Suisse tổ chức mới đây, chuyên gia Gurley cho biết, thị trường đầu tư vào các công ty tư nhân (đặc biệt là các dự án khởi nghiệp lĩnh vực công nghệ) đang xuất hiện những dấu hiệu biến tướng nguy hiểm. Ông mô tả về một môi trường mà trong đó các công ty công nghệ cố tìm mọi cách thu hút lượng vốn đầu tư cao hơn so với giá trị cần thiết, còn bản thân những người liên quan dễ dàng chấp nhận giá trị mới này mà không thực hiện những khảo sát chất lượng kỹ lưỡng.
Việc các giá trị thực bị đẩy lên quá cao sẽ che mờ đi vấn đề đầu tư thanh khoản tại các công ty công nghệ tư nhân thực sự như thế nào. Giá trị thực tế bị đẩy lên cao cũng làm giảm khả năng giúp công ty tìm kiếm một lối thoát phù hợp thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A).
Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp đang gặp vấn đề về cạnh tranh, tiếp thị kém hoặc hiệu suất kém, tiền có thể không phải là phương pháp để giải quyết vấn đề. Thậm chí, các doanh nghiệp có thể chịu thiệt hại chi phí nặng hơn nếu IPO không thành công.
Ở chiều ngược lại, nếu doanh nghiệp phát triển đủ mạnh và cần một không gian lớn hơn, nhiều nhân viên hơn hoặc thiết bị tốt hơn để phát triển, nguồn vốn bên ngoài có thể là một quyết định khôn ngoan. Như vậy, các công ty cần thấu hiểu rõ, liệu doanh nghiệp của mình đã đủ mạnh mẽ và danh tiếng để sẵn sàng cho cuộc chơi IPO hay chưa?