Nói lại cho rõ
Thực ra, việc gắn cổ phần hoá với lên sàn chứng khoán không phải là một thông tin mới. Chẳng hạn, Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ quy định: “DN cổ phần hóa có tình hình tài chính đáp ứng đủ điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán phải xây dựng phương án, lộ trình niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa quy định việc cổ phần hóa đồng thời với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán trong phương án cổ phần hóa để công bố cho các NĐT biết trước khi bán cổ phần lần đầu” (Điều 11).
Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nói đến việc “cải tiến phương thức định giá và chào bán cổ phiếu của DNNN cổ phần hóa gắn với niêm yết trên TTCK”, trong đó có nội dung “nâng cao chất lượng tư vấn cổ phần hóa và minh bạch trong quá trình cổ phần DN, thực hiện đấu giá cổ phần hóa thông qua chào bán ra công chúng với niêm yết, giao dịch trên thị trường tập trung” (Điểm b, Khoản 3, Điều 1).
Gần hơn, Nghị định 108/2013/NĐ-CP ngày 23/9/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK quy định: “Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi không đưa chứng khoán đã chào bán ra công chúng vào giao dịch trên thị trường có tổ chức trong thời hạn 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, trừ trường hợp không đủ điều kiện niêm yết chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật” (Khoản 2, Điều 6).
Trên thực tế, nhiều người vẫn hiểu rằng, DNNN sau khi chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) sẽ phải lên sàn chứng khoán trong vòng 1 năm. Chẳng hạn, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư VinaCapital, trong bài trình bày về cơ hội đầu tư vào DNNN cổ phần hoá tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức ngày 7/8 vừa qua đã nói: “Theo quy định hiện hành, các công ty phải niêm yết trong vòng 1 năm kể từ ngày IPO thành công, nhưng thiếu cơ chế chế tài nên nhiều công ty không thực hiện điều này, một số công ty nói họ sẽ niêm yết trong 2 hoặc 3 năm tới”.
Điểm mới liên quan đến nội dung IPO gắn với niêm yết trong Quyết định 51 đó là thời hạn bắt buộc lên sàn được tính từ mốc “ngày DN nhận được Giấy chứng nhận đăng ký DN”, thay vì từ “ngày kết thúc đợt chào bán”, tức cho DN có thêm thời gian để thực hiện một số công việc cần thiết liên quan như tổ chức họp ĐHCĐ và tiến hành các thủ tục đăng ký DN.
Sẽ sớm vào khuôn khổ nếu…
Ngày 22/9, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) tổ chức bán đấu giá xấp xỉ 122 triệu cổ phần tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE) với giá khởi điểm 11.000 đồng/cổ phần. Tại buổi roadshow giới thiệu về cơ hội đầu tư vào Vinatex hồi tháng 7/2014, ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinatex cho biết, khoảng 3 năm nữa Vinatex mới tính đến chuyện lên sàn.
Nhiều NĐT tỏ ra hụt hẫng trước thông tin này, nhất là các NĐT tổ chức có ý định trở thành đối tác chiến lược của Vinatex khi mà pháp luật quy định rất nhiều ràng buộc đối với họ, chẳng hạn như hạn chế chuyển nhượng cổ phần đã mua trong vòng 5 năm.
Theo BCTC của Vinatex (công ty mẹ), năm 2012 và 2013, tập đoàn này có suất sinh lợi trên vốn cổ phần (ROE) lần lượt là 4,73% và 4,94%, trong khi điều kiện niêm yết đòi hỏi mức này tối thiểu là 5% vào năm gần nhất. Tuy nhiên, “thị trường có tổ chức” gồm thị trường niêm yết và UPCoM, mà lên UPCoM thì chỉ cần là công ty đại chúng là đủ, kể cả đang bị lỗ. Vinatex hoàn toàn có thể lên UPCoM.
Công ty Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) cũng vừa hoàn tất đợt IPO thành công với hơn 31 triệu cổ phần chào bán được các NĐT mua hết ở mức giá bình quân 19.330 đồng/cổ phần, cao hơn gần gấp đôi so với giá khởi điểm.
Trong tài liệu IPO cũng như qua các cuộc gặp gỡ với NĐT, Sasco cho hay, họ chưa xác định thời gian niêm yết và quyết định cuối cùng sẽ tùy thuộc vào cổ đông sau cổ phần hóa. Tuy nhiên, Sasco sẽ không thể “dùng dằng” như vậy, vì căn cứ theo Quyết định 51, DN này sẽ phải niêm yết muộn nhất là vào cuối năm 2015 mà không phụ thuộc vào ý chí của cổ đông Nhà nước.
Quyết định 51 đã nêu rất rõ nghĩa vụ lên sàn của DN sau cổ phần hoá và nếu quyết định này được thực hiện nghiêm túc thì sẽ có rất nhiều DN phải lên sàn. Khi đó, sự chờ đợi của NĐT về việc lên sàn của Vinatex, Sasco cùng những DN đã IPO trước đây như Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), CTCP Phân bón Bình Điền (BFC)… sẽ có ngày giờ cụ thể.
Chỉ có điều, trong quá khứ, nhiều quy định đã không được thực hiện nghiêm, khiến cho niềm tin của NĐT không còn nguyên vẹn. Năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 quy định: “Công ty đại chúng đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng phải cam kết đưa chứng khoán lên sàn trong thời hạn 1 năm, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán”. Tuy nhiên, không ít DN cam kết, nhưng không thực hiện mà chưa bị xử phạt. Hay nếu có bị xử phạt từ mức vài chục triệu đồng cũng là quá thấp, những DN không có ý thức lên sàn sẵn sàng nộp ngay khoản tiền này để được “ngủ yên” một vài năm nữa.
Luật Chứng khoán cũng quy định, cổ phiếu của công ty đại chúng phải được đăng ký lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD). UBCK cũng đã không ít lần ban hành công văn nhắc nhở, nhưng hiện vẫn có hàng ngàn DN, kể cả các ngân hàng đại chúng lớn, chưa thực hiện nghĩa vụ này.
Một lãnh đạo UBCK từng có lần chia sẻ rằng, cơ quan này không cách nào có đủ nhân lực để xử phạt hết tất cả các trường hợp như vừa nêu. Vì thế, chỉ khi DN nộp hồ sơ đăng ký phát hành chứng khoán, hay có cổ đông kiện cáo DN…, UBCK mới có thể tập trung xem xét.
Như vậy, hơn ai hết, NĐT phải tự bảo vệ quyền lợi của mình. Nghĩa vụ lên sàn của DN đại chúng đã rõ, bên cạnh việc tăng cường đốc thúc, xử phạt của cơ quan chức năng, các cổ đông cần là những người tác động sát sườn. Thay vì thấy DN làm sai, các cổ đông cứ im lặng với tâm thế “ai sao, tôi vậy”. Họ cần yêu cầu DN giải trình. Nếu thấy DN giải trình chưa thuyết phục, còn có “cửa” cơ quan chức năng để NĐT... tố khổ!