Insurtech: Cơ hội cho các công ty bảo hiểm

(ĐTCK) Theo bà Phạm Thị Thu Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý bảo hiểm, Bộ Tài chính, ngành bảo hiểm toàn cầu đang trong quá trình chuyển mình sang kỷ nguyên công nghệ số, đây là xu hướng phát triển tất yếu.
Châu Á, trong đó có Đông Nam Á, dự báo sẽ trở thành tâm điểm của cuộc cách mạng bảo hiểm toàn cầu. Châu Á, trong đó có Đông Nam Á, dự báo sẽ trở thành tâm điểm của cuộc cách mạng bảo hiểm toàn cầu.

Tại Hội thảo thường niên ngành bảo hiểm năm 2018 với chủ đề “Công nghệ và IFRS 17 sẽ định hướng tương lai của ngành bảo hiểm như thế nào?” do EY Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo bảo hiểm thuộc Cục Giám sát, quản lý bảo hiểm, Bộ Tài chính đồng tổ chức cuối tuần qua, bà Phương cho rằng, châu Á, trong đó có Đông Nam Á, sẽ trở thành tâm điểm của cuộc cách mạng bảo hiểm toàn cầu do hội tụ đầy đủ những yếu tố, điều kiện cần thiết như quy mô đáng kể của tầng lớp trung lưu, mật độ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng cao, trong khi kênh phân phối bảo hiểm truyền thống đang có những khó khăn nhất định…

ông Patrick Hanna, Phó tổng giám đốc mảng dịch vụ tài chính của EY Singapore nhận xét, thị trường bảo hiểm đang thay đổi nhanh chóng bởi các yếu tố bên trong lẫn bên ngoài.

Đối với các yếu tố bên ngoài, đó là 2,6 tỷ USD đã được đầu tư ứng dụng công nghệ số hóa vào bảo hiểm (Insurtech) có tính đột phá trong năm 2015; thị trường viễn thông toàn cầu ước tính sẽ có giá trị 2,2 tỷ USD đến năm 2020; thiết bị kết nối Internet ước đạt 20,8 tỷ USD vào năm 2020 (hiện tại là 5,5 tỷ USD), trung bình là 6,5 thiết bị/người; trong vòng 10 - 20 năm tới, dự báo có 98,9% công việc của thẩm định viên bị thay thể bởi người máy; vốn đầu tư vào chứng khoán liên kết bảo hiểm được dự báo chiếm khoảng 30 - 40% đến năm 2020…

Những vấn đề bên trong sẽ bao gồm các thay đổi trong ngành như bảo hiểm kết hợp chung, bảo hiểm theo nhu cầu tại từng thời điểm, sự mở rộng của các trung gian kỹ thuật số hay thay đổi kỳ vọng của khách hàng…

Đứng trước bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ số hóa vào bảo hiểm được nhận định sẽ mang lại cơ hội lớn, tập trung vào 5 lĩnh vực chính.

Đầu tiên, Insurtech làm thay đổi hoàn toàn quá trình trải nghiệm dịch vụ khách hàng. Từ những hệ thống, quy trình cũ dựa trên giấy tờ và hệ thống cứng nhắc, Insurtech cung cấp một trải nghiệm mới tốt hơn, nhanh hơn và rẻ hơn, thông qua các ứng dụng công nghệ trong quá trình bán hàng, chăm sóc khách hàng và giải quyết các thủ tục bảo hiểm.

Thứ hai, Insurtech tạo nền tảng cho phép đưa ra những sản phẩm vượt trội và cải tiến, điển hình là 2 mô hình đã được áp dụng là Pay-as-you-go và Pay-as-you-drive, khi khách hàng được bảo hiểm dựa trên hành vi thực tế của họ.

Thứ ba, Insurtech cải thiện mô hình phân phối, cung cấp các đề xuất sản phẩm theo hướng cá nhân hóa cho khách hàng.

Thứ tư, Insurtech giúp tạo ra mô hình kinh doanh mới theo hướng P2P, giảm thiểu chi phí cho khách hàng và công ty bảo hiểm.

Cuối cùng, cách thức vận hành được cải tiến thông minh hơn trong quá trình phát triển sản phẩm, thẩm định, bồi thường rủi ro và giúp ngăn chặn gian lận, sai sót trong quá trình vận hành.

“Trong cuộc chiến mới về thị phần bảo hiểm trên thị trường, sự thành công sẽ dành cho những ai tận dụng được sức mạnh của công nghệ, cũng như nắm bắt và chuyển mình tốt nhất với những xu hướng đó”, ông Patrick Hanna nói.

Các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đứng trước những cơ hội trong việc thúc đẩy tăng trưởng, cắt giảm chi phí, đồng thời gia tăng sự khác biệt trên thị trường.

Nhưng cũng có thách thức đang chờ đợi khi áp lực về lợi nhuận gia tăng, sự khốc liệt trong quá trình cạnh tranh cũng như những khó khăn trong việc thu hút khách hàng, kỳ vọng/đòi hỏi của khách hàng ngày càng nhiều, yêu cầu xây dựng hệ sinh thái riêng, tạo nên sự gắn kết, quá trình thay đổi từ mô hình môi giới truyền thống…

Ông Saman Bandara, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp cần thiết phải tìm hiểu kỹ và nắm bắt được xu hướng của Insurtech, nhưng cũng cần xác định rõ và cụ thể lĩnh vực nào trong tổ chức có tiềm năng để phát triển Insurtech. Tiếp theo, cần phải có sự chuẩn bị trong nội bộ từ công nghệ, quy trình cho đến văn hóa của doanh nghiệp để đáp ứng được những thay đổi đó.

“Bất kỳ sự thay đổi nào cũng cần dựa trên 2 yếu tố quan trọng, đó là hãy đặt mình vào vị trí của khách hàng và xem xét lại thương hiệu của mình, nhằm định hướng chiến lược. Sự thay đổi phải thực sự xoay quanh nhu cầu của khách hàng và định vị thương hiệu mà doanh nghiệp muốn theo đuổi”, ông Saman Bandara nhấn mạnh.

“Việc nhận diện đầy đủ, toàn diện tác động cũng như thách thức của Insurtech sẽ giúp các doanh nghiệp bảo hiểm định hướng đúng chiến lược kinh doanh trong xu thế toàn cầu và khu vực, từ đó chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm”, bà Phương nói.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục