Trong một đề xuất sau cuộc tham vấn chính sách hàng năm với Nhật Bản, IMF cho biết chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của ngân hàng trung ương vẫn phù hợp vì lạm phát có thể sẽ giảm xuống dưới mục tiêu 2% vào cuối năm 2024 nếu tiền lương không tăng đáng kể.
Tuy nhiên, với những rủi ro lạm phát tăng ngày càng hiện rõ tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, IMF cho biết, BoJ nên để lợi suất dài hạn tự do hơn, chẳng hạn như tăng hoặc nới rộng mục tiêu lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm.
Trưởng phái đoàn IMF tại Nhật Bản Ranil Salgado cho rằng điều đó không thực sự làm thay đổi lập trường hỗ trợ của BoJ. Nó cân bằng một số tác động đối với nền kinh tế thực với tác động lên thị trường tài chính.
Điều đó cũng giúp việc bắt đầu quá trình chuyển đổi hướng tới việc tăng lãi suất ngắn hạn trở nên dễ dàng hơn, đồng thời cho biết thêm BoJ có thể xem xét các bước để tăng cường tính linh hoạt của lợi suất trái phiếu ngay cả trước khi mục tiêu lạm phát đạt được.
Trong bối cảnh lạm phát tiêu dùng cơ bản của Nhật Bản ở mức cao nhất trong 41 năm qua, ở mức 4%, gấp đôi mục tiêu của BoJ, các thị trường đã đặt cược rằng ngân hàng trung ương sẽ loại bỏ dần các biện pháp kích thích mạnh mẽ sau khi Thống đốc Haruhiko Kuroda nghỉ hưu vào tháng 4/2023.
Không giống như các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã mạnh tay tăng lãi suất, BoJ đã mắc kẹt với chính sách lãi suất cực thấp, được gọi là kiểm soát đường cong lợi suất (YCC), trong đó áp dụng lãi suất âm cho một số quỹ ngắn hạn và nhắm mục tiêu đến lợi suất 10 năm ở khoảng bằng 0.
Các đề xuất của IMF trái ngược với những đề xuất mà tổ chức này đưa ra năm 2022, khi thúc giục BoJ duy trì chính sách siêu nới lỏng để hỗ trợ sự phục hồi của Nhật Bản sau thiệt hại của đại dịch Covid-19.
IMF cho biết, do những rủi ro hai mặt đối với lạm phát, việc linh hoạt hơn trong lợi suất dài hạn sẽ giúp tránh những thay đổi đột ngột sau này. Điều này sẽ giúp quản lý rủi ro lạm phát tốt hơn và cũng giúp giải quyết các tác dụng phụ của việc nới lỏng kéo dài.
IMF cho biết, BoJ cũng có thể xem xét các lựa chọn như nhắm mục tiêu vào lợi suất ngắn hạn hoặc tốc độ mua trái phiếu của mình. Các lựa chọn như vậy sẽ giúp giảm thiểu tác dụng phụ của việc nới lỏng kéo dài, chẳng hạn như sự biến dạng trong đường cong lợi suất do việc BoJ mua trái phiếu chính phủ quy mô lớn.
Nếu rủi ro lạm phát tăng cao đáng kể, BoJ phải rút lại kế hoạch hỗ trợ tiền tệ băng cách tăng lãi suất ngắn hạn "sớm hơn nhiều và cao hơn lãi suất trung lập" để neo lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Salgado cho biết, việc tăng lãi suất ngắn hạn khó có thể xảy ra trong thời gian tới và chỉ có thể được xem xét khi có bằng chứng rõ ràng rằng tiền lương sẽ tiếp tục tăng và giúp BoJ đạt được mục tiêu lạm phát một cách lâu dài.
BoJ đã gây bất ngờ cho thị trường trong tháng 12/2022 khi tăng gấp đôi biên độ trợ cấp cho lợi tức 10 năm lên trên 0,5% hoặc dưới 0. Ngân hàng này đã tăng cường một công cụ vận hành thị trường trong tháng 1/2023 để bảo vệ giới hạn mới, nhằm kéo dài tuổi thọ của YCC.
Bên cạnh các tác dụng phụ của việc nới lỏng kéo dài gia tăng, lãi suất cực thấp của BoJ đã bị chỉ trích vì khiến đồng yen lao dốc, làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên liệu thô, gây thêm áp lực lên các công ty và hộ gia đình.
Đồng USD đã chạm mức cao nhất trong 32 năm, vào khoảng 152 yen đổi 1 USD trong năm 2022, khiến các nhà chức trách phải can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng nội tệ Nhật Bản, mặc dù sau đó đồng yen đã tăng trở lại khoảng 130 yên đổi 1 USD.
IMF cho biết mặc dù việc can thiệp tiền tệ có thể kiểm soát sự biến động quá mức và giữ cho tốc độ dịch chuyển của đồng yen phù hợp hơn với các nguyên tắc cơ bản, nhưng tác động của nó có thể chỉ là tạm thời.
Do đó, việc can thiệp "nên được giới hạn trong những trường hợp đặc biệt như điều kiện thị trường rối loạn, rủi ro đối với sự ổn định tài chính".