Đức hiện là nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tuy nhiên, nền kinh tế Đức vẫn đang trong tình trạng khó khăn, sự phục hồi tiếp tục bị cản trở khi nhu cầu yếu và lạm phát cao.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức dự kiến sẽ dần lấy lại đà tăng vào năm 2024 và 2025, khi các tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ dần mờ nhạt và nền kinh tế Đức đã có đủ thời gian điều chỉnh để thích nghi với cú sốc giá năng lượng, IMF cho biết trong báo cáo về nền kinh tế Đức.
Trong trung hạn, IMF dự báo tăng trưởng GDP của Đức trung bình dự kiến sẽ giảm xuống dưới 1% do những trở ngại từ việc dân số Đức đang già hóa nhanh chóng và năng suất lao động của nước này không tăng nhiều. Dữ liệu mới nhất cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại Đức trong tháng 6/2023 đã tăng lên do tình trạng ảm đạm của toàn nền kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) dự báo nước này sẽ rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế nhẹ trong cả năm nay với mức tăng trưởng GDP âm 0,3% so với năm 2022.
Hai viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức là Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (DIW) và Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW) cũng đều dự báo nền kinh tế nước này sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay với mức tăng trưởng GDP là âm 0,2% đến âm 0,3%.
Trong tháng 6/2023, chỉ số giá tiêu dùng của Đức đã có dấu hiệu tăng trở lại, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái; cao hơn so với mức tăng 6,1% của tháng 5/2023. Chỉ số giá tiêu dùng lõi (không bao gồm giá thực phẩm và giá năng lượng) trong tháng 6 cũng đã tăng lên 5,8%, cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với mức tăng của tháng 5/2023.
Tuy nhiên, IMF cũng dự báo lạm phát lõi (lạm phát của giá hàng hóa và dịch vụ trừ thực phẩm và năng lượng) có thể giảm chậm hơn so với lạm phát tổng thể do áp lực tăng lương vẫn còn rất lớn và cần thời gian để giá hàng hóa toàn cầu hạ nhiệt thực sự tác động sang lạm phát lõi.
“Chỉ số lạm phát của Đức có thể có những diễn biến rất khó lường, vì lạm phát lõi của nước này đang tăng rất nhanh, tốc độ tăng của lạm phát hiện tại chưa từng xảy ra ở Đức hoặc hầu hết các nền kinh tế phát triển khác ở khu vực châu Âu trong nhiều thập kỷ”, theo IMF.