Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Liên bang Đức, ngày 14/7 phát hành báo cáo tình hình kinh tế trong nước, nhấn mạnh về tình trạng khó khăn mà quốc gia này đang gặp phải.
Báo cáo nhận định kinh tế Đức vẫn trong tình trạng khó khăn, sự phục hồi tiếp tục bị cản trở. Đặc biệt, giá trị gia tăng trong các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng vẫn suy giảm, dù giá năng lượng đã giảm.
Nguyên nhân có thể một phần là do nhu cầu yếu hơn từ bên ngoài đối với sản phẩm, hàng hóa của Đức.
Tuy nhiên, lý do phần lớn xuất phát từ sự khó khăn của kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và nhiều ngân hàng trung ương liên tục thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.
Trong tháng Sáu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Đức đã tăng trở lại ở mức 6,4 %, cao hơn so với mức 6,1% của tháng Năm. Tỷ lệ lạm phát cơ bản (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) cũng tăng 0,4 điểm phần trăm, lên 5,8%.
Báo cáo nhận định lạm phát sẽ quay đầu giảm trong vài tháng tới. Nhờ các yếu tố thúc đẩy giá từ phía cung, chẳng hạn như sự gián đoạn chuỗi cung ứng hoặc gia tăng chi phí đầu vào sản xuất đang giảm bớt. Đồng thời, việc thắt chặt chính sách tiền tệ cũng đang làm giảm nhu cầu khiến lạm phát giảm.
Mặc dù vậy, động thái tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của Đức.
Do lãi suất tăng sẽ làm giảm hoạt động đầu tư. Điều này được thể hiện rõ trong ngành xây dựng, khi có nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu giảm đáng kể do lãi suất tăng.
Dữ liệu kinh tế mới phát hành cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp của Đức sẽ dần phục hồi trong những tháng tới.
Trong khi thị trường lao động tích cực, hầu như không bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn và liên tục, đã trở nên u ám hơn kể từ tháng Sáu do Đức đã rơi vào tính trạng suy thoái kỹ thuật (hai tháng liên tiếp tăng trưởng âm). Trong tháng này, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và số lượng việc làm giảm.
Đánh giá về triển vọng kinh tế sắp tới, Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Liên bang Đức cho rằng nền kinh tế quốc gia sẽ chỉ phục hồi mạnh mẽ hơn khi có những dấu hiệu rõ rệt của sự phục hồi kinh tế toàn cầu và sức mua tăng trở lại nhờ lạm phát giảm và tiền lương cao hơn.