Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết, Mỹ đã quay trở lại con đường trước đại dịch, trong khi Ấn Độ và một số thị trường mới nổi khác cũng nổi bật. Mặc dù quá trình phục hồi diễn ra chậm nhưng nhu cầu về dịch vụ cao hơn dự kiến và những tiến bộ trong việc hạ nhiệt chi phí sinh hoạt đang ngày càng tăng.
“Điều này làm tăng cơ hội hạ cánh mềm cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng chúng ta không thể mất cảnh giác”, bà Kristalina Georgieva cho biết.
Bà cho biết, các cú sốc liên tiếp kể từ năm 2020 đã khiến thế giới thiệt hại 3.700 tỷ USD tổng sản lượng và sự chia cắt thế giới thành các khối kinh tế có nguy cơ làm suy yếu các cơ hội tăng trưởng, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và đang phát triển, bao gồm cả châu Phi.
Bà cũng cảnh báo mối nguy hiểm từ sự suy thoái ở hầu hết các nước giàu và hoạt động kinh tế ở Trung Quốc dưới mức mong đợi. Bà Georgieva lặp lại cảnh báo của IMF từ tháng 4 rằng, tốc độ tăng trưởng toàn cầu hiện tại vẫn ở dưới mức trung bình 3,8% trong hai thập kỷ trước đại dịch và triển vọng tăng trưởng trung hạn đã suy yếu.
IMF cũng dự đoán lạm phát ở một số quốc gia sẽ duy trì trên mức mục tiêu cho đến năm 2025, đồng thời kêu gọi các ngân hàng trung ương tránh nới lỏng chính sách tiền tệ quá sớm trong bối cảnh rủi ro lạm phát gia tăng.
Ngoài ra, bà Georgieva cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của châu Phi đối với tương lai của nền kinh tế toàn cầu và mối đe dọa từ mức nợ gia tăng, khiến các nước từ Chad đến Zambia phải tìm cách tái cơ cấu.
Vào đầu năm nay, IMF cùng với Chủ tịch G20 và Ngân hàng Thế giới (WB) đã thành lập Hội nghị bàn tròn về nợ có chủ quyền toàn cầu để yêu cầu các nhà cho vay chính thức và tư nhân giải quyết một số thách thức lớn nhất.
“Chúng tôi vẫn muốn thấy tiến độ nhanh hơn nhưng chúng tôi đang đi đúng hướng”, bà cho biết.