Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố ngày 24/6 cho biết, tác động từ các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn dịch COVID-19 đã khiến triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên xấu đi trong năm nay.
Tuy nhiên, IMF cũng nhận định tình hình kinh tế thế giới có thể phát triển theo hai hướng hoàn toàn đối nghịch: hoặc xấu đi hoặc phục hồi sớm hơn dự kiến.
Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của IMF đưa ra dự báo kinh tế toàn cầu có thể giảm 4,9% trong năm nay, hạ 1,9 điểm phần trăm so với dự đoán hồi tháng Tư, do tác động của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 nghiêm trọng hơn dự đoán.
Tuy nhiên, sang năm 2021, kinh tế thế giới dự báo sẽ phục hồi với mức tăng trưởng 5,4%.
Tuy nhiên, IMF thừa nhận còn quá nhiều yếu tố không chắc chắn xung quanh dự báo này.
Do vậy, định chế tài chính quốc tế đã đưa ra hai kịch bản, với một trong số đó là về khả năng cuộc suy thoái có thể không quá nặng nề như nhận định trước đó.
Trong kịch bản lạc quan hơn, đà phục hồi sẽ diễn ra nhanh hơn dự báo trước đó.
IMF cho rằng việc các chính phủ ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan sẽ giúp các hộ gia đình và các công ty giảm bớt tâm lý đề phòng một khi các lệnh giãn cách xã hội được dỡ bỏ.
Báo cáo cũng giả định rằng các chính phủ sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp chi tiêu để hỗ trợ giới doanh nghiệp và hộ gia đình mà không thu hẹp quy mô của những biện pháp này.
Nếu kịch bản này xảy ra, kinh tế toàn cầu sẽ trải qua một cuộc suy thoái nhỏ hơn trong năm 2020 với mức suy giảm 4,5%.
Năm 2021, đà phục hồi sẽ “tăng tốc” với mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến đạt 8,4%.
Còn trong kịch bản kém tươi sáng hơn, báo cáo giả định vào đầu năm 2021 sẽ có một đợt lây lan COVID-19 thứ hai diễn ra. Khi đó, các biện pháp mới để ngăn chặn dịch bệnh sẽ ít gây ảnh hưởng hơn so với các biện pháp được sử dụng trong năm nay.
Tuy nhiên, ngay cả với các biện pháp hỗ trợ tài chính bổ sung từ các chính phủ, sự bùng phát dịch COVID-19 sẽ gây ra thêm nhiều thiệt hại lâu dài cho phía cung của các nền kinh tế bắt đầu từ năm 2022.
Vào thời điểm đó, số các vụ phá sản nhiều khả năng sẽ gia tăng, dẫn đến tình trạng đứt gãy nguồn vốn, giảm đà tăng trưởng tạm thời của năng suất và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Trong trường hợp này, nền kinh tế toàn cầu sẽ chứng kiến mức tăng trưởng chỉ 0,5% vào năm 2021.