IMF cảnh báo về bài học từ cú sốc lạm phát những năm 1970

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo các ngân hàng trung ương nên giữ lãi suất ở mức cao trong ít nhất 12 tháng nữa để chế ngự hoàn toàn lạm phát.
IMF cảnh báo về bài học từ cú sốc lạm phát những năm 1970

IMF đã kêu gọi các ngân hàng trung ương “chú ý nhiều nhất” đến những bài học lịch sử, những điều này cho thấy phải mất “nhiều năm để giải quyết lạm phát bằng cách giảm lạm phát xuống mức phổ biến trước cú sốc ban đầu”.

Bài học từ những năm 1970

Đầu những năm 1970, xung đột ở Trung Đông đẩy giá dầu tăng vọt đã khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới phải chật vật kiểm soát lạm phát. Sau khoảng một năm, giá dầu ổn định và lạm phát bắt đầu giảm. Nhiều quốc gia tin rằng họ đã khôi phục lại sự ổn định về giá và nới lỏng chính sách để vực dậy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế chỉ để thấy lạm phát quay trở lại. Lịch sử có thể lặp lại?

Lạm phát thế giới đạt mức cao lịch sử vào năm 2022 sau khi xung đột Nga-Ukraine gây ra cú sốc về các hoạt động giao thương tương tự như những năm 1970. Sự gián đoạn đối với nguồn cung cấp dầu và khí đốt của Nga đã làm tăng thêm các vấn đề về chuỗi cung ứng do Covid, khiến giá tăng cao. Ở các nền kinh tế phát triển, giá cả tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1984. Tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, mức tăng giá là lớn nhất kể từ những năm 1990.

Được hỗ trợ bởi mức lãi suất tăng mạnh nhất trong một thế hệ, lạm phát cuối cùng đã bắt đầu giảm xuống. Tỷ lệ lạm phát ở Mỹ và phần lớn châu Âu đã giảm một nửa từ khoảng 10% năm ngoái xuống dưới 5% hiện nay. Cuộc xung đột mới nhất ở Trung Đông ít nhất cho đến thời điểm hiện tại không có tác động lớn đến giá dầu. Nhưng, vẫn còn quá sớm để các nhà hoạch định chính sách ăn mừng chiến thắng trước lạm phát.

Nghiên cứu gần đây của IMF về hơn 100 cú sốc lạm phát kể từ những năm 1970 đưa ra hai lý do cần thận trọng.

Thứ nhất, lịch sử dạy chúng ta rằng lạm phát là dai dẳng. Phải mất nhiều năm để “giải quyết” lạm phát bằng cách giảm nó xuống mức phổ biến trước cú sốc ban đầu. Nghiên cứu cho thấy 40% các quốc gia trong nghiên cứu của IMF đã không giải quyết được các cú sốc lạm phát thậm chí sau 5 năm, 60% còn lại mất khoảng thời gian trung bình 3 năm để đưa lạm phát trở lại mức trước cú sốc.

Thứ hai, trong lịch sử, các nước đã ăn mừng chiến thắng trước lạm phát và nới lỏng chính sách sớm để ứng phó với áp lực giảm giá ban đầu. Đây là một sai lầm, vì lạm phát đã sớm quay trở lại. Đan Mạch, Pháp, Hy Lạp và Mỹ nằm trong số gần 30 quốc gia trong mẫu của IMF thực hiện nới lỏng chính sách sớm sau cú sốc giá dầu năm 1973. Trên thực tế, hầu hết tất cả các quốc gia trong phân tích của IMF không giải quyết được lạm phát đều chứng kiến tốc độ tăng trưởng giá cả chậm lại đáng kể trong vài năm đầu tiên sau cú sốc ban đầu, rồi tăng tốc trở lại hoặc bị mắc kẹt với tốc độ nhanh hơn.

IMF cho biết: “Các ngân hàng trung ương đã đúng khi cảnh báo rằng cuộc chiến lạm phát còn lâu mới kết thúc, ngay cả khi các số liệu gần đây cho thấy áp lực giá cả đã giảm bớt đáng hoan nghênh”.

“Quá khứ không bao giờ là hướng dẫn hoàn hảo cho hiện tại, bởi vì không có hai cuộc khủng hoảng nào giống hệt nhau. Tuy nhiên, lịch sử vẫn cung cấp những bài học rõ ràng cho các nhà hoạch định chính sách ngày nay. Chống lạm phát là một cuộc chạy marathon chứ không phải chạy nước rút”, IMF cho biết.

Sự phân mảnh

Bên cạnh việc kêu gọi các ngân hàng trung ương duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, IMF còn cảnh báo các chính phủ không nên chi tiêu quá nhiều hoặc cắt giảm thuế.

IMF cho biết: “Các lãnh đạo ngân hàng trung ương đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống lạm phát và nên chú ý nhất đến những bài học này. Nhưng các chính phủ không được làm cho nhiệm vụ của các cơ quan tiền tệ trở nên khó khăn hơn bằng cách tăng thêm áp lực về giá bằng chính sách tài khóa lỏng lẻo”.

Trong khi đó, IMF cảnh báo rằng kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và ô tô điện có thể bị tan vỡ do sự phân mảnh trong nền kinh tế toàn cầu.

Các nhà phân tích IMF cảnh báo rằng các khoáng sản quan trọng như lithium và coban có thể ngừng chảy khắp thế giới nếu một khối kinh tế do Nga và Trung Quốc dẫn đầu xuất hiện và bị cắt đứt khỏi phương Tây.

IMF cho biết: “Một ngày nào đó, các khoáng sản quan trọng có thể quan trọng đối với nền kinh tế thế giới như dầu mỏ ngày nay… Sự phân mảnh trong các thị trường khoáng sản quan trọng có thể khiến quá trình chuyển đổi năng lượng sạch trở nên tốn kém hơn và có khả năng trì hoãn các chính sách rất cần thiết nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu”.

Trong kịch bản thế giới phân mảnh, IMF lo ngại đầu tư vào năng lượng tái tạo có thể giảm 25% vào năm 2030 so với dự báo hiện tại, trong khi sản lượng xe điện có thể thấp hơn 1/3 so với dự đoán.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục