“Ảnh hưởng lớn trước mắt có thể là sự bất trắc liên quan đến việc chuyển tiếp sang một hệ thống tiền tệ, tài chính và ngân sách mới ở Scotland”, William Murray, một phát ngôn viên của IMF, nói với các nhà báo.
“Trong khi sự bất trắc này có thể dẫn đến những phản ứng tiêu cực của thị trường trong ngắn hạn, ảnh hưởng dài hạn của nó là tùy thuộc vào các quyết định được đưa ra trong quá trình chuyển tiếp”.
Ông Murray nhấn mạnh đến những câu hỏi liên quan đến loại tiền tệ nào mà quốc gia Scotland độc lập sẽ sử dụng, cơ chế nào cho hoạt động của các ngân hàng, và vị thế ngân sách của quốc gia sau thương lượng tách khỏi Anh Quốc ra sao?
Những đợt thăm dò ý kiến gần đây cho thấy, cuộc bỏ phiếu vào thứ Năm tuần tới là rất có thể xảy ra. Các quan chức kinh tế ở Washington dường như chỉ mới thức tỉnh về khả năng thực sự của một cuộc bỏ phiếu đồng ý - trước đó, họ nghĩ là không thể. Giờ đây, họ bắt đầu lo ngại về rủi ro sốc tài chính và hậu quả của nó, tất cả có thể gây tổn hại đến hoạt động đầu tư ở cả hai phía biên giới Anh - Scotland.
“Cuộc bỏ phiếu sẽ làm tăng số lượng các vấn đề nghiêm trọng và phức tạp sẽ phải được thương lượng”, ông Murray nói.
Ông Murray nói rằng, IMF không có quan điểm về việc Scotland nên bỏ phiếu như thế nào. “Có một tiến trình chính trị đang diễn ra và tôi thực sự không muốn bình luận về tiến trình đó”, ông nói.
Một trong nhiều vấn đề mà nhà nước Scotland độc lập sẽ phải giải quyết là tư cách thành viên IMF của nó. Là một quốc gia mới, Scotland trước tiên sẽ phải nộp đơn xin gia nhập, để nhận được sự hỗ trợ tiền tệ từ IMF.
Hiện tại, Anh Quốc có giám đốc điều hành của riêng mình tại IMF, và là một trong 5 nước có quyền bỏ phiếu nhiều nhất. Nước này có 4,29% tổng phiếu bầu của IMF, bằng với Pháp.