IFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã ký biên bản ghi nhớ với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội để hỗ trợ thành phố thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) “thế hệ mới”, đa dạng hóa nguồn vốn thông qua các công cụ tài chính và tư vấn kỹ thuật nhằm duy trì tốc độ phát triển kinh tế cao, tăng cường năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững vì thịnh vượng chung cho mọi người dân của thành phố.
Là một trong những thành phố có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á, thủ đô Hà Nội đóng góp 1/5 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam. Với trên 8 triệu dân, Hà Nội đã thu hút được 8,45 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2019, dẫn đầu 63 tỉnh thành. Dòng vốn FDI tập trung nhiều nhất trong các lĩnh vực phát triển bất động sản, chế biến và chế tạo, viễn thông và thông tin.
Để duy trì phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ, Hà Nội đặt mục tiêu thu hút dòng vốn FDI có chất lượng cao, hỗ trợ cho chiến lược phát triển các ngành công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao, nâng cao năng lực cung ứng của các doanh nghiệp địa phương và tạo ra nhiều việc làm tốt hơn.
Đại diện IFC và lãnh đạo UBND TP. Hà Nội ký biên bản ghi nhớ.
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết: “Thu hút FDI theo định hướng chiến lược như xác định trong Nghị quyết 50/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư nước ngoài đến 2030 có vai trò thiết yếu trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo ra nhiều việc làm tốt hơn và thực hiện kế hoạch công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030 của thành phố.
Chúng tôi hoan nghênh hỗ trợ của IFC trong việc xây dựng và thực hiện chiến lược đầu tư mới cũng như đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư cho thành phố và huy động các nhà đầu tư có chất lượng thông qua mạng lưới của IFC trên toàn cầu”.
Trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ, IFC sẽ hỗ trợ thành phố Hà Nội xây dựng và triển khai chiến lược FDI thế hệ mới phù hợp định hướng của Bộ Chính trị và chương trình hành động thu hút đầu tư nước ngoài đến năm 2030 của Chính phủ.
IFC cũng sẽ hỗ trợ thành phố Hà Nội đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư. Với mạng lưới khách hàng và đối tác trên toàn cầu, các nỗ lực của IFC sẽ tập trung cho các lĩnh vực tiềm năng quan trọng như tài chính, cơ sở hạ tầng, hậu cần, y tế và giáo dục.
“Hà Nội vốn đã có sẵn nhiều yếu tố căn bản để thu hút được FDI chất lượng cao hơn. Những dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay – một hệ quả của đại dịch COVID-19 – là cơ hội tốt để thành phố ưu tiên thúc đẩy những dự án FDI phù hợp với chiến lược phát triển của mình.
Những dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao và thúc đẩy được liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để mang lại giá trị gia tăng nội địa cao hơn sẽ giúp mở rộng các cơ hội cho chuỗi cung ứng địa phương, mang lại các cơ hội việc làm tốt hơn, và cải thiện năng lực cạnh tranh của thành phố”, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC phụ trách Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết.
Trong nỗ lực thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân, IFC đã và đang hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư quốc tế trong hai thập kỷ qua.
Gần đây nhất, IFC đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng khuyến nghị về chiến lược quốc gia thu hút FDI thế hệ mới. IFC cũng đang hỗ trợ các nhà sản xuất Việt Nam nâng cao năng lực và trở thành nhà cung cấp cho các công ty đa quốc gia thông qua Chương trình Thí điểm Phát triển Nhà cung cấp Việt Nam.