Trong báo cáo thị trường dầu mỏ tháng 7, IEA dự báo nhu cầu tiêu thụ sẽ chỉ tăng 700.000 thùng/ngày trong năm nay. Đây sẽ là mức tăng nhu cầu hàng năm thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ngoại trừ năm 2020 khi nhu cầu giảm 8,7 triệu thùng/ngày do các chính phủ đóng cửa nền kinh tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.
So với ước tính gần nhất, IEA đã cắt giảm dự báo so với ước tính tăng trưởng trước đó là 720.000 thùng/ngày, sau khi nhu cầu thấp hơn dự kiến trong quý II năm nay, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi.
Mặc dù sự chậm lại trong tăng trưởng trong ba tháng qua "một phần liên quan đến thời tiết", IEA cũng lưu ý tác động của sự bất ổn kinh tế do các mức thuế quan bất ngờ của Tổng thống Donald Trump đối với nhiều đối tác thương mại.
Mặc dù có thể còn quá sớm để quy kết sự tăng trưởng chậm hơn này là do tác động bất lợi của thuế quan thể hiện rõ trong nền kinh tế thực, nhưng mức giảm lớn nhất trong quý đã xảy ra ở các quốc gia nằm trong tầm ngắm của cuộc khủng hoảng thuế quan", báo cáo cho biết.
Các quốc gia này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mexico với nhu cầu dầu đã giảm so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 160.000 thùng/ngày, 80.000 thùng/ngày, 70.000 thùng/ngày và 40.000 thùng/ngày. Tại Mỹ, nhu cầu dầu giảm 60.000 thùng/ngày, trong khi châu Âu và các thị trường mới nổi ngoài châu Á đã chứng tỏ là "có khả năng phục hồi tốt hơn".
Trong khi đó, dự báo của IEA trái ngược với OPEC, tổ chức đã dự đoán nhu cầu dầu sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong năm nay. Hai tổ chức ngày càng bất đồng quan điểm trong những năm gần đây do kỳ vọng khác nhau về nhu cầu trong tương lai, thậm chí các lãnh đạo OPEC còn trực tiếp chỉ trích IEA vì bị cáo buộc thiên vị chính trị.
Trong báo cáo mới nhất, OPEC đã một lần nữa khẳng định quan điểm rằng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng cho đến giữa thế kỷ và chưa có đỉnh điểm nào trong tương lai gần.
OPEC dự kiến nhu cầu dầu mỏ sẽ đạt 113,3 triệu thùng/ngày vào năm 2030 và gần 123 triệu thùng/ngày vào năm 2050, tăng so với mức 103,7 triệu thùng/ngày của năm ngoái.
Dầu mỏ dự kiến sẽ chiếm gần 30% cơ cấu năng lượng, trong khi nếu kết hợp với khí đốt, tỷ lệ này sẽ duy trì trên 50% trong suốt giai đoạn này. OPEC cho biết: "Dầu mỏ là nền tảng của nền kinh tế toàn cầu và đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nhu cầu dầu mỏ sẽ không đạt đỉnh trong tương lai gần”.
Kể từ tháng 4, các quốc gia thành viên OPEC+ đã bắt đầu dỡ bỏ các đợt cắt giảm sản lượng kéo dài với lý do nhu cầu đã đủ mạnh để hấp thụ nguồn cung bổ sung.
IEA cho biết, sản lượng dầu toàn cầu đã tăng 2,9 triệu thùng/ngày trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 1,9 triệu thùng/ngày trong số nguồn cung tăng thêm này đến từ các quốc gia thành viên OPEC+.
Do OPEC+ vẫn đang tiếp tục nới lỏng cắt giảm sản lượng, nguồn cung dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 2,1 triệu thùng/ngày trong năm nay lên 105,1 triệu thùng/ngày, vượt xa nhu cầu 103,7 triệu thùng/ngày.
Hầu hết các nhà giao dịch dự đoán mức thặng dư này sẽ gây áp lực lên giá dầu trong nửa cuối năm, với một số nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ giảm xuống dưới 60 USD/thùng trong quý IV.