Trong dự báo đầu tiên vào năm 2023, IEA dự đoán rằng nhu cầu trong năm tới sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày lên 101,6 triệu thùng/ngày, chủ yếu ở các quốc gia phát triển.
Trong khi IEA dự kiến Mỹ sẽ tăng đáng kể sản lượng trong nước vào năm 2022 và 2023, các thành viên của OPEC+ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp tục tăng sản lượng để đáp ứng mức tiêu thụ gia tăng.
“Nguồn cung dầu toàn cầu có thể gặp khó khăn trong việc theo kịp nhu cầu trong năm tới, khi các lệnh trừng phạt thắt chặt hơn buộc Nga phải đóng cửa nhiều giếng dầu hơn và một số nhà sản xuất đang cố gắng vượt qua các hạn chế về công suất”, theo báo cáo mới nhất của IEA được công bố vào ngày 15/6.
IEA dự kiến sản lượng của Nga sẽ giảm gần 3 triệu thùng/ngày trong năm nay khi có nhiều lệnh trừng phạt hơn, dẫn đến tổng sản lượng OPEC+ giảm xuống còn 520.000 thùng/ngày vào năm 2023.
Giá dầu đã đạt mức gần kỷ lục trong sáu tháng qua do sự gián đoạn dòng chảy năng lượng từ ảnh hưởng của cuộc chiến ở Ukraine làm trầm trọng thêm vấn đề cung cấp do đầu tư thấp và nhu cầu tăng trở lại sau đại dịch Covid-19.
Giá dầu Brent đã chạm mức cao nhất trong 14 năm là 139 USD/thùng vào tháng 3. Giá dầu Brent được giao dịch ở mức 120,67 USD/thùng vào thứ Tư (15/6), mức cao nhất kể từ năm 2012.
Theo IEA, trong khi nhu cầu dầu toàn cầu tăng 1,8 triệu thùng/ngày trong năm nay đang được thúc đẩy bởi tiêu dùng gia tăng ở các nền kinh tế tiên tiến khi các biện pháp kiểm soát liên quan đến đại dịch được dỡ bỏ, 80% tăng trưởng nhu cầu trong năm tới sẽ đến từ các nước ngoài Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Callum Macpherson, người đứng đầu bộ phận hàng hóa tại Investec cho biết dự báo cung và cầu của IEA ngụ ý giá dầu sẽ tăng hơn nữa trong năm tới, nhưng giá tăng cuối cùng sẽ phải kiềm chế nhu cầu.
"Có lẽ một cách khác để xem xét các dự báo của IEA là hỏi giá dầu cần đạt đến mức nào để ngăn nhu cầu tăng 2,2 triệu thùng/ngày trong năm tới?", ông cho biết.
IEA dự đoán thị trường dầu sẽ thắt chặt vào năm 2023 mặc dù “giá dầu cao ngất” đã cắt giảm nhu cầu đối với xăng và dầu diesel ở các nền kinh tế tiên tiến vào tháng 4 và tháng 5.
Trước sức ép của Mỹ, OPEC+ trong tháng này đã đồng ý tăng tốc sản xuất dầu trong tháng 7 và tháng 8 để giúp hạ nhiệt đà phục hồi vốn đang đe dọa làm suy yếu kinh tế toàn cầu.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng sản lượng tăng từ Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) sẽ đến từ công suất dự phòng của nhóm.
IEA dự đoán rằng công suất sản xuất dự phòng của OPEC+ có thể giảm xuống 2,6 triệu thùng/ngày vào cuối năm nay và điều này có thể “làm gia tăng sự biến động của thị trường dầu”.
Các thành viên OPEC+ sẽ phải sử dụng nhiều hơn năng lực sản xuất dự phòng để giúp thị trường cân bằng vào năm 2023. “Trong trường hợp đó, công suất dự phòng sẽ giảm xuống chỉ còn 1,5 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong lịch sử gần đây”, IEA cho biết.